Nền văn minh Indus Valley để lại nhiều bằng chứng sớm nhất về hoạt động nha khoa từ 7.000 năm trước Công nguyên. Tại Pakistan, các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều chiếc răng bị khoan bằng một dụng cụ đặc biệt giống như cây cung, có đầu làm từ đá lửa. Phát hiện trên cho thấy người cổ đại biết cách chữa trị các bệnh về răng với khả năng khéo léo.
Năm 2012, một nhóm chuyên gia ở Italy nghiên cứu mảnh răng và xương hàm khai quật tại Slovenia có niên đại 6.500 năm tuổi. Chiếc răng có một lỗ sâu răng nhưng nó được phủ đầy bằng một lớp sáp ong, có thể để giúp giảm đau và sưng. Đây là bằng chứng cổ nhất về phương pháp trám răng của con người.
Những câu chuyện tưởng tượng về sâu răng
Lời giải thích đầu tiên và kéo dài nhất về nguyên nhân gây ra bệnh sâu răng là do con sâu gây nên, điều này được thể hiện qua tác phẩm điêu khắc bằng ngà voi của người Sumer vào khoảng năm 5000 trước Công nguyên.
Ý tưởng về con sâu gây bệnh sâu răng cũng được tìm thấy trong các tác phẩm văn thơ, triết học thời Hy Lạp cổ đại, trong các nền văn hóa cổ xưa của Ấn Độ, Nhật Bản, Ai Cập và Trung Quốc. Quan niệm trên vẫn được tiếp nối cho đến cuối những năm 1300, khi bác sĩ phẫu thuật Pháp Guy de Chauliac vẫn ủng hộ tư tưởng con sâu làm răng bị sâu.
Trang trí răng của người Maya
Người Maya là bậc thầy về nha khoa thẫm mỹ. Họ trang trí răng bằng cách gắn chúng với những viên đá quý hoặc chạm khắc lên bề mặt răng. Các lỗ khoan nhỏ trên răng sẽ gắn chặt với những viên đá quý bằng chất kết dính làm từ nhựa tự nhiên, như nhựa cây trộn lẫn với các chất hóa học và xương nghiền nát. Người Maya có một kiến thức phức tạp về giải phẫu răng vì họ biết cách khoan vào răng mà không làm hại tới tủy răng bên trong.
Nha khoa thời Trung Cổ
Trong suốt thời kỳ Trung Cổ và cả thế kỷ 19, nha khoa không phải là một nghề nghiệp cụ thể, thủ thuật nha khoa do thợ cắt tóc hoặc thầy thuốc thực hiện. Thợ cắt tóc chỉ làm những việc như nhổ răng, làm giảm đau đớn và nhiễm trùng răng.
Trong những năm 1400, hàm răng giả có nhiều hình dáng hơn chúng ta thấy ngày nay. Răng giả làm từ xương động vật hoặc chạm khắc bằng ngà voi, thậm chí nhiều kẻ cướp mộ lấy răng của người qua đời để bán lại cho người chữa trị răng. Tuy nhiên, chủng loại răng giả này thường không kéo dài được lâu và dễ mục nát theo thời gian.
Pierre Fauchard là bác sĩ phẫu thuật người Pháp sinh vào thế kỷ 17. Ông được coi là cha đẻ của ngành nha khoa hiện đại với việc hoàn thiện cuốn sách đầu tiên mô tả một cách hệ thống việc chăm sóc và điều trị răng.
Lê Hùng