Cây thốt nốt là nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Khờ-me Nam bộ, và cũng là cây đặc sản của vùng Thất Sơn huyền bí nầy.
Lấy nước thốt nốt. |
Cây thốt nốt trông xa tựa cây dừa, nhưng thân cây to và cao, lá xòe tán rộng như lá cọ. Mùa vụ thốt nốt bắt đầu khoảng từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch. Trái thốt nốt kết thành từng chùm, trái to tròn cỡ trái dừa xiêm, vỏ màu tím sậm. Ruột trái có những ngăn múi (khoảng 4 – 5 múi), được phủ bên ngoài một lớp vỏ lụa mỏng, bên trong có cơm dầy màu trắng, mềm dẻo giống như cơm trái dừa nước nhưng thơm ngon hơn. Đây là thức uống giải nhiệt ngày hè rất tuyệt vời! Chỉ cần cho cơm thốt nốt vào ly, thêm một muỗng đường và vài cục nước đá là ta có thể thưởng thức ngay hương vị đặc trưng của loại trái cây độc đáo khó quên nơi miền biên ải Tây nam của tổ quốc.
Lựa mua trái thốt nốt, du khách chú ý nhìn cái cuống còn tươi (không bị khô), trái đều đặn không bị móp, giập, và dùng tay búng vào vỏ trái để biết trái già hoặc non. Trái già cơm cứng, có vị lạt. Trái vừa ăn, cơm mềm, bên trong có một ít nước hơi ngọt, có vị beo béo và mùi thơm thoảng, rất ngon. Nhưng để chắc ăn và tránh việc mang xách nặng nề, nên mua phần cơm thốt nốt do người bán tách sẵn, tuy giá có cao đôi chút, nhưng phải dè chừng kẻo mua hàng cũ, có mùi ôi (chua) không đạt chất lượng.
Quả thốt nốt to bằng quả dừa xiêm. |
Đặc sản từ cây thốt nốt rất phong phú. Ngoài cơm trái, còn có nước thốt nốt tươi (hoặc lên men) giải khát, đường thốt nốt, chè đậu xanh thốt nốt, và bánh thốt nốt nữa...
Để có được thành phẩm đường thốt nốt bán ra thị trường, người dân phải tốn rất nhiều công sức. Khi trời tờ mờ sáng phải mang thùng nhựa leo lên ngọn cây thốt nốt, cắt đầu cuống bông và treo thùng vào đó để hứng nước rỉ ra từ cuống (cây sung sức có thể cho 30 lít/ngày). Chiều đến leo lên đem thùng nước thốt nốt xuống đổ vào chảo nấu ngay trong ngày (tránh bị chua) cho đến khi nước thốt nốt keo lại đổ vào khuôn bằng ống tre để nguội. Sau đó, cắt thành từng miếng, và dùng lá thốt nốt khô gói lại từng cây trông giống như đòn bánh tét.
Bình quân 4 lít nước thốt nốt cho ra 1 kg đường. Đây là loại đường miếng tròn, màu vàng nhạt, có vị ngọt dịu, beo béo, thơm ngon, dùng để nấu chè hay làm bánh rất tuyệt! Và, món chè đậu xanh thốt nốt là một trong những “món chè đặc trưng”, gây ấn tượng nhiều trong lòng du khách vì ngon và lạ.
Cùi thốt thốt và nước đá thốt nốt. |
Làm món chè đậu xanh thốt nốt tương đối đơn giản (tương tự như chè đậu xanh nha đam). Chỉ cần cho đậu xanh đãi vỏ vào nồi nấu mềm, thêm vài tán đường đường thốt nốt vào vừa khẩu vị. Sau cùng, cho cơm thốt nốt, nấu mềm. Nhớ làm thêm chén nước cốt dừa đậm đặc nữa. Khi múc chè ra chén ăn, chan nước cốt dừa lên là xong.
Sẽ là thiếu sót lớn khi đến đây mà không thưởng thức món bánh gói thốt nốt, và bánh bò thốt nốt. Nguyên liệu chính để làm món bánh thốt nốt là: bột gạo + đường thốt nốt + nước cốt dừa + đậu xanh đãi vỏ nấu chín tán nhuyễn + bột vỏ trái thốt nốt già mài nhuyễn lược lấy nước pha chung vào bột gạo cho có mùi thơm đặc trưng.
Gạo phải chọn loại gạo lúa mùa ngon (thường là gạo cũ) ngâm nước lạnh khoảng 2 tiếng, xay thành bột. Cho tất cả nguyên liệu (bột gạo + đường thốt nốt + ít muối + nước cốt dừa + bột vỏ trái thốt nốt), trừ (cơm dừa + đậu xanh) cho vừa khẩu vị vào nồi nấu với ngọn lửa liu riu và dùng vá khuấy đều cho đến khi hỗn hợp bột hơi sền sệt (chưa chín hẳn), nhắc xuống. Dùng muỗng múc từng cục bột (cỡ nắm tay) đặt lên lá chuối tươi, lấy tay ép nhẹ bột xuống thành miếng mỏng tròn, dẹp rồi cho đậu xanh nấu chín, dừa xắt sợi vào giữa và gói bánh lại thành hình chữ nhật (như bánh gói) hay hình tháp (như bánh ít) tùy ý.
Khi bánh gói xong cho tất cả vào xửng hấp chừng vài tiếng là bánh chín. Lột phần lá chuối bên ngoài chiếc bánh gói thốt nốt, nhìn bột bánh màu vàng sáp cùng với “mùi thơm đặc trưng” của thốt nốt, của đậu xanh khiến khách nhàn du khó lòng cưỡng được cơn thèm phải thưởng thức ngay tại chỗ.
Bánh bò thốt nốt. |
Còn món bánh bò thốt nốt, nguyên liệu chính cũng tương tự như trên (không có cơm dừa xắt sợi + đậu xanh nấu chín), nhưng đặc biệt bột phải ủ qua đêm, và trong hỗn hợp bột phải có thêm một ít nước cơm rượu để bột dậy (bánh chín xốp có rễ tre mới ngon). Sau đó, dùng vá đổ bánh vào khuôn (hình dáng tròn, vuông tùy thích) cho vào xửng hấp chín.. Bánh bò thốt nốt mềm, xốp, ngọt, thơm ngon, rất quyến rũ.
Vậy, còn chần chờ gì nữa - nhân dịp hè đến - mời các bạn cùng gia đình hãy tham gia tour du lịch Châu Đốc - An Giang để tham quan thắng cảnh và di tích lịch sử ở nơi đây, cũng như khám phá ẩm thực đặc sắc vùng Bảy Núi đầy bí ẩn này.
Bài và ảnh Hữu Tưởng
Mời độc giả chia sẻ món ngon quê nhà về doisong@vnexpress.net