Đập nước thời La Mã cổ đại là một kỳ tích về thủy lợi. |
Vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên, những kỹ sư La Mã đã xây dựng một hệ thống cống hầm và bể chứa để đưa nước tới thành phố Aspendos (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Aspendos là một trung tâm thương mại quan trọng của người La Mã ở Tiểu Á (Asia Minor), nằm ở giao điểm giữa các tuyến đường quan trọng bên bờ sông đổ ra Địa Trung Hải.
Học giả Vitruvius thời đó đã có một bản miêu tả chi tiết hệ thống dẫn nước này mà ngày nay không còn nhiều dấu vết. Nhưng một vài khía cạnh trong bản viết của ông vẫn là điều khó hiểu với người đọc, bởi nhiều thuật ngữ Latin đến nay đã bị mất nghĩa và còn nhiều đặc điểm của công trình thuỷ lợi thời La Mã này không được ghi chép lại.
Vì vậy các nhà khoa học tại công ty CTC ở Santa Clara, California (Mỹ), đã lập một mô hình máy tính để tìm hiểu quy trình vận chuyển nước của hệ thống cống hầm ở Aspendos.
Nước theo đường ống được dẫn từ chân một con đập (aqueduct) ở sườn phía bắc một thung lũng, chảy ngang qua thung lũng rộng 1,5 km, rồi đổ vào một bồn chứa nước ở sườn phía nam. Đường ống này được tạo bởi một chuỗi những khối đá lớn, có khoét lỗ đường kính 30 cm, gắn kết với nhau bằng một chất keo đặc biệt. Đập ở sườn phía bắc được đặt cao hơn bể chứa ở sườn phía nam, tạo ra độ chênh cần thiết để dẫn nước chảy theo ống dẫn.
Người ta còn dựng nên hai 2 tháp đá hình vòm trên đường qua thung lũng, dẫn nước lên cao rồi lại chảy xuống thấp.
Bức tường lỗ chỗ này có thể ngăn chặn bùn loãng làm tắc nghẽn dòng chảy. |
Tại sao các kỹ sư La Mã lại xây dựng những chướng ngại vật như vậy? Các nhà khoa học cho rằng các bức tường vòng đó chia đường dẫn nước thành 3 đoạn ngắn, có tác dụng như những "hố ga" giữ lại bùn loãng có thể làm tắc dòng chảy hoặc làm hư hại đường dẫn nước.
Cũng từ nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra đầu mối cho một bí ẩn khác. Trong bài viết của mình, Vitruvius nói rằng chìa khoá thành công của hệ thống dẫn hút nước chính là colliquiaria - một thuật ngữ Latin không còn được biết nghĩa tới ngày nay. Nhóm chuyên gia tin rằng colliquiara có thể là những lỗ nhỏ, đường kính khoảng 3 cm, chạy xuyên qua các khối đá của đường dẫn nước. Họ đã tiến hành các cuộc thí nghiệm trên mô hình máy tính và kết luận rằng những lỗ đó có thể làm giảm nhiễu động của dòng chảy.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đoán rằng hoạt động của hệ thống truyền nước cũng phụ thuộc mạnh mẽ vào kết cấu của thành ống dẫn nước. Nếu nó quá nhẵn nhụi, nước từ đường ống đổ vào bồn chứa sẽ tạo thành những con sóng lớn, còn nếu quá thô ráp thì sẽ làm chậm dòng chảy. Có thể người La Mã đã phải mài giũa bằng tay các khối đá đó để tạo nên một kết cấu lý tưởng.
Minh Thi (theo Nature)