Ngày 10 đến 12/7, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức Hội chợ Triển lãm Quốc tế Da và Giày lần thứ 24 (Shoes & Leather VietNam 2024) tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Tại hội chợ, Thương vụ Italy tại Việt Nam giới thiệu khu vực trưng bày của 18 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành da, giày đến từ Italy, đem lại cơ hội giao cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Trong suốt 3 ngày triển lãm, các sản phẩm máy móc, thiết bị phụ trợ, máy móc tự động hóa cho ngành thuộc da như máy cạo, máy lạng, máy cắt, máy ép, máy dập, máy đánh bóng, máy cán phôi, lưỡi dao, lưỡi cưa buồng phun, bồn trộn, dây chuyền xử lý, thiết bị điều khiển, băng tải, hệ thống xử lý nước thải, hay các sản phẩm hóa chất bền vững và hiệu suất cao... sẽ được trưng bày nhằm phục vụ nhu cầu của khách tham quan, cũng như mở rộng cơ hội hợp tác cùng các doanh nghiệp Italy trong ngành da, giày.
Ông Fabio De Cillis, Giám đốc Thương vụ Italy tại Việt Nam (ITA) cho biết, điểm nổi bật tại triển lãm lần này là hệ thống máy móc sản xuất thân thiện với môi trường và có mức độ số hóa, tự động cao.
Việt Nam là một thị trường đang phát triển mạnh, các doanh nghiệp Việt cũng đang cần cải tiến nhiều công đoạn trong dây chuyền sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của châu Âu và của thế giới. Châu Âu hiện chú trọng đến vấn đề môi trường, nên Việt Nam cũng cần phải có các máy móc, công nghệ phù hợp để tạo ra được những sản phẩm chất lượng, đủ đáp ứng các tiêu chuẩn đó.
Thương vụ Italy đã hợp tác nhiều năm cùng Assomac trong việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, Shoes & Leather 2024 không phải là trường hợp ngoại lệ. Theo ông Fabio De Cillis, đây là điểm quan trọng, vì Assomac, với vai trò là hiệp hội các nhà sản xuất máy móc tại Italy trong lĩnh vực giày da, túi xách và thuộc da, hiện đầu tư nhiều cho công nghệ nhằm chú trọng nhiều hơn đến việc bảo vệ môi trường và cải tiến chất lượng của các khâu sản xuất. "Công nghệ tiên tiến sẽ tạo cơ hội để con người và máy móc có thể đối thoại; công nghệ và máy móc của Italy luôn chú trọng tới môi trường và có mức độ quản lý số hóa rất cao", ông Fabio De Cillis cho biết.
Ngoài Assomac, Thương vụ Italy tại Việt Nam còn hợp tác với Lefaso (Hiệp hội da, giày, túi xách Việt Nam) và thành lập Trung tâm công nghệ Da giày được 7 năm với nhiệm vụ đào tạo, hướng dẫn cho các sinh viên, người lao động sử dụng được các máy móc công nghệ cao của Italy. Thương vụ Italy hy vọng rằng điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp Italy hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam, đồng thời cũng sẽ giúp các sản phẩm của Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại Italy và châu Âu.
Ngày 23/3/1973 là cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Italy khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua hơn nửa thế kỷ vun đắp và phát triển, quan hệ hai nước đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN và Italy là đối tác EU lớn thứ tư của Việt Nam.
(Nguồn và ảnh: Thương vụ Italy tại Việt Nam)