Cặp sừng tê giác. Ảnh: Photostuff. |
Sừng của phần lớn động vật được tạo nên từ một lớp keratin (chất tạo nên tóc, móng tay của con người) mỏng phủ lên một lõi xương. Tuy nhiên, sừng của tê giác là loại độc nhất vô nhị bởi chúng không có lõi xương mà chỉ có keratin. Giới khoa học từng bỏ biết bao công sức để giải thích sự khác biệt này.
Để vén lớp sương mù huyền bí xung quanh chiếc sừng tê giác, một nhóm chuyên gia của Đại học Ohio kiểm tra đầu của một số tê giác chết vì nguyên nhân tự nhiên. Họ tiến hành chụp cắt lớp những chiếc sừng và nhận thấy ở bên trong chúng có những lớp khoáng chất đặc được tạo nên bởi canxi và melanin.
Những lớp canxi khiến lõi của sừng trở nên cứng và khỏe hơn, trong khi lớp melanin giúp lõi không bị xốp bởi tác động của các tia cực tím từ mặt trời. Phần bên ngoài của sừng mềm hơn nên dễ bị yếu trong quá trình tiếp xúc với nắng. Do đó, sừng bị bào mòn thành các hình thù đặc biệt sau những lần đánh nhau và mài xuống đất. Sừng tê giác có cấu trúc tương tự như một bút chì – với lõi chì ở giữa và lớp gỗ yếu hơn bên ngoài. Cấu trúc này cho phép tê giác có sừng nhọn hoắt.
Nghiên cứu cũng chấm dứt những đồn đoán về việc sừng tê giác là tập hợp của hàng nghìn sợi lông. “Sừng tê giác hoàn toàn độc lập với lông, giống như móng ngựa, mai rùa và mỏ chim”, tiến sĩ sinh học Tobin Hieronymus, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Tobin chưa tìm ra tác động của nhiệt độ, chế độ ăn uống và tình trạng căng thẳng đối với sự phát triển của các lớp melanin và canxi bên trong sừng tê giác. Nhưng ông cho rằng nếu những bí ẩn đó được tìm ra, giới khoa học sẽ tìm ra các biện pháp hợp lý để giảm tình trạng săn bắn tê giác, bởi đa số tê giác bị giết hại vì sừng của chúng.
V.L (theo Physorg)