Chính quyền quận Hai Bà Trưng cho biết thời gian tổ chức tuyến phố đi bộ từ 7h30 thứ bảy đến 24h chủ nhật mùa hè; 8h thứ bảy đến 24h chủ nhật mùa đông. Các ngày lễ, sự kiện không gian đi bộ được tổ chức theo chương trình riêng.
Quận đã lên kế hoạch mở rộng tuyến phố đi bộ giai đoạn hai với các đoạn xung quanh hồ Thiền Quang (phố Quang Trung, phố Nguyễn Du, phố Trần Bình Trọng) và vùng phụ cận (kết nối các tuyến phố lân cận, khu biểu diễn và công trình kiến trúc nổi bật).
Theo ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, không gian đi bộ sẽ phát huy lợi thế của công viên Thống Nhất, hồ Thiền Quang, cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa kết hợp tượng đài "Công an nhân dân vì dân phục vụ".
"Khu vực văn hóa cộng đồng được tạo dựng sẽ đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm gắn với ẩm thực của nhân dân, từ đó phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo tồn phát huy di sản văn hóa", ông Trung nói.
Phó chủ tịch TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, sau khi hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của công viên Thống Nhất, thành phố sẽ nghiên cứu, mở rộng các đoạn tuyến phố Quang Trung, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du.
Cơ quan chức năng cũng sẽ nghiên cứu lồng ghép trong không gian đi bộ các công trình quan trọng tại khu vực như nhà hát Chèo, rạp xiếc Trung ương, kết hợp từng bước mở toàn bộ hàng rào công viên Thống Nhất. Việc này nhằm tạo điểm nhấn về không gian, cảnh quan, nơi diễn ra những sự kiện văn hóa quan trọng của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.
Phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận là không gian đi bộ thứ năm của Hà Nội, sau các tuyến đường quanh Hồ Gươm; khu phố cổ Hà Nội (Hàng Đào - Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía Nam khu phố cổ Hà Nội), phố Trịnh Công Sơn và phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây.
Võ Hải