
Một trong bảy sà lan khai thát đất sét bị bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấp.
Công an TP Cần Thơ ngày 29/3 đã kiểm tra, phát hiện bảy sà lan của Công ty TNHH Sao Mộc và Công ty TNHH Lan Anh (cùng ở quận Ninh Kiều) khai thác trái phép đất sét ở sông Hậu, đoạn qua quận Thốt Nốt.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng lập biên bản tang vật gồm 300 m3 đất sét, thu giữ ba thùng hồ sơ, sổ sách giao nhận, mua bán; áp tải bảy sà lan vi phạm về nơi neo đậu chờ xử lý.
"Khả năng đất sét được bán cho các nơi có nhu cầu làm bờ bao ao nuôi cá tra, sản xuất gạch, ngói...", một cán bộ cảnh sát cho hay.
Người dân cù lao Tân Lộc bức xúc, mấy tháng qua có rất nhiều sà lan, xáng cạp đến múc đất sét dưới đáy sông Hậu. "Nhiều năm qua khu vực sông này cho khai thác cát thì cù lao bị sạt lở nghiêm trọng. Nay có thêm nạn tận thu đất sét khiến chúng tôi lo ngại vô cùng", ông Nguyễn Thanh Tâm, 50 tuổi, nói.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, việc móc lớp đất sét dưới lòng sông là vô cùng nguy hiểm. Lớp đất này được hình thành qua quá trình địa chất, tích tụ trầm tích vài trăm đến cả nghìn năm, có chức năng ổn định dòng chảy theo tự nhiên.
"Một khi đã lấy tới đất sét thì nhiều khả năng khu vực đáy sông đó đã bị hút hết lớp cát bên trên rồi. Khi ấy sẽ tạo ra khoảng lõm lớn dưới lòng sông, dẫn đến việc thay đổi dòng chảy", tiến sĩ Tuấn nói và cho biết theo quy luật cân bằng, dòng sông sẽ đem đất cát từ nơi khác đến bù lấp những "hố sâu nhân tạo này", khả năng sạt lở là khó tránh khỏi.
TP Cần Thơ hiện ghi nhận khoảng 200 điểm sạt lở. Các điểm nóng sạt lở chủ yếu trên sông Cần Thơ, Ô Môn, Bình Thủy, Trà Nóc, Thốt Nốt và các cồn trên sông Hậu (Cồn Sơn, Cồn Khương, Cồn Ấu, cù lao Tân Lộc...).
Cửu Long