Số liệu được ông Nguyễn Thanh Bình, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra tại hội thảo Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp, thực trạng và giải pháp, ngày 31/5 tại Hà Nội. Rác thải nhựa trong khai thác thủy sản đến từ các hoạt động đánh bắt và từ đóng gói, bảo quản mang đi tiêu thụ.
Như tại cảng cá Quy Nhơn, sau hơn hai năm kiểm đếm, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định tính toán trung bình mỗi ngày khoảng 10 tàu cá cập cảng thì xả ra 138 kg chai nhựa, gần 29 kg lon nhôm (vỏ các loại đồ uống, thực phẩm) và khoảng 58 kg bao bì nhựa để chứa đựng, bảo quản hải sản. Trong một tháng, tàu cá về cập bến tại cảng xả thải ra đại dương hơn 4 tấn nhựa, 0,86 tấn nhôm.
Rác cũng xuất hiện từ hoạt động nuôi trồng trên biển như vật liệu nuôi cá (lưới, phao xốp), nuôi hàu, nuôi ngao (lồng PVC). Việc thu gom xử lý phao xốp rất khó khăn. Người dân thường thu gom nhưng không kéo lên bờ mà vứt xuống biển. Các địa phương hiện chủ yếu đem vào khu tập kết để đốt.
Báo cáo tổng kết ngành nông nghiệp năm 2022 cho thấy, tổng lượng chất thải rắn (gồm cả chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn, từ chăn nuôi 67,93 triệu tấn và từ thủy sản là 880 nghìn tấn. Rác trong trồng trọt là bao bì hạt giống, phân bón, nhà màng nhà lưới; trong chăn nuôi là túi đựng thức ăn, túi đựng thuốc, bạt ủ thức ăn, ủ phân, bạt cho các công trình khí sinh học.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp nói chung, đặc biệt là rác thải nhựa xuất hiện trong nhiều công đoạn, hội ngành như lâm nghiệp, chăn nuôi, thú y, trồng trọt, bảo vệ thực vật, thủy sản. "Nếu chúng ta không có giải pháp ngăn chặn thì mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh sẽ khó đạt. Theo tính toán, sau này cứ mỗi tấn cá là một tấn rác thải nhựa", ông Tiến nói.
Ngành nông nghiệp đã đặt mục tiêu từ nay tới năm 2025 các lĩnh vực phải giảm sử dụng tối thiểu 12-30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại tối thiểu được 60%.
Một số địa phương như Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp. Ông Trần Văn Vinh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh, cho hay đã thiết kế túi đựng rác, kiểm soát lượng rác thải từ biển vào bờ, thành lập ban quản lý rác thải nhựa từ tàu cá. "Nếu thực hiện tốt thì địa phương sẽ giảm khoảng 60 tấn rác thải nhựa ra đại dương mỗi năm", ông Vinh nói.
Việt An