Nằm giữa Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo, hồ Kivu được hình thành do sự sụt lún liên quan đến các đứt gãy trong quá trình kiến tạo vỏ Trái Đất. Đứng trên nhà máy điện nổi ở Kivu, các kỹ sư của công ty KivuWatt có thể cảm nhận được ngọn núi lửa Nyiragongo "gầm gừ" đằng xa, gây ra những chấn động qua mặt nước bên dưới họ.
Tuy nhiên, điều khiến họ lo lắng không phải dung nham tuôn trào, như những gì đã xảy ra vào tháng 5 năm ngoái, mà là nồng độ khổng lồ của các loại khí có khả năng gây nổ bên trong hồ Kivu. Hoạt động của núi lửa trong hàng nghìn năm qua đã tích tụ một lượng lớn khí methane và carbon dioxide hòa tan dưới vùng nước sâu của hồ.
"Trong trường hợp được giải phóng, chúng sẽ tạo ra một vụ nổ khí dữ dội từ vùng nước sâu lên bề mặt. Đó là lý do chúng tôi gọi nó là hổ tử thần", chuyên gia về hệ thống nước ngọt Francois Darchambeau, Giám đốc môi trường tại KivuWatt, nói với AFP.
Chỉ có ba hồ như vậy tồn tại trên thế giới là Kivu và hồ Nyos, Monoun ở tây bắc Cameroon. Cả Nyos và Monoun đều đã phát nổ vào những năm 1980, trong đó thảm họa tồi tệ hơn tại Nyos đã khiến 1.700 người chết ngạt do khí carbon dioxide độc hại.
Darchambeau cảnh báo một vụ nổ tương tự ở Kivu có thể ảnh hưởng tới hai triệu người. Ở cả Rwanda và CHDC Congo, các cộng đồng xung quanh hồ đang sống trong lo sợ.
Tuy nhiên, đi cùng với rủi ro là cơ hội. KivuWatt đã nhìn thấy tiềm năng lớn trong việc khai thác lượng khí tích tụ dưới hồ để sản xuất điện.
Nhà máy nổi cao bằng tòa nhà nhiều tầng của KivuWatt nằm ở phần Rwandan của Kivu, cách bờ khoảng 20 phút chạy thuyền cao tốc. Với những tiếng gầm chói tai, cơ sở này đang bơm nước bão hòa carbon dioxide và methane hòa tan từ độ sâu 350 m lên bề mặt. Khi độ sâu giảm dần, áp suất thay đổi làm nước và khí tách ra. "Nó giống như việc mở một chai nước ngọt có ga", Giám đốc KivuWatt Priysham Nundah mô tả.
Khí methane sau khi chiết xuất được dẫn qua một đường ống đến cơ sở thứ hai nằm trên bờ hồ ở Rwanda, nơi chúng được chuyển hóa thành điện năng. Trong khi đó, carbon dioxide được bơm trở lại hồ xuống độ sâu nhất định để đảm bảo sự cân bằng không bị xáo trộn.
KivuWatt hy vọng việc loại bỏ khí methane theo thời gian có thể làm giảm áp suất trong hồ, qua đó giảm nguy cơ xảy ra nổ khí.
Đoàn Dương (Theo AFP)