Chiều 15/12, ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam đã ký kết hợp tác khai thác, xuất khẩu đất hiếm với Công ty TNHH Kim loại ASM & KSM và chính quyền tỉnh Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc.
Ông Tuấn cho biết, đối tác Hàn Quốc không yêu cầu nguồn cung đất hiếm ở đâu mà chỉ cần thành phẩm. Tuy nhiên, để tối ưu hóa nguồn nguyên liệu, công ty này mong muốn phối hợp với chủ mỏ ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, là Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Dương để khai thác, thay vì nhập khẩu từ nước ngoài. Mỏ Yên Phú có trữ lượng khoảng 30.000 tấn đất hiếm thành phẩm (mức độ chế biến sâu trên 99%).
"Để có công nghệ khai thác phù hợp, chúng tôi đã lấy mẫu về nghiên cứu từ năm 2017", ông Tuấn nói và cho biết đang phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái, chủ mỏ để phê duyệt cho nghiên cứu áp dụng công nghệ chế biến sâu từ nguồn tinh quặng mỏ Yên Phú, sau đó triển khai ở quy mô công nghiệp.
Nếu các bên thương thảo thành công, dự kiến việc khai thác kéo dài khoảng 10 năm. Ban đầu lượng đất hiếm thành phẩm phía đối tác Hàn Quốc yêu cầu khoảng 1.000 tấn/năm, sau đó tăng lên 2.000 tấn/năm.
Ông Kim Young Hwan, tỉnh trưởng Chungcheongbuk-do, nơi chiếm 50% sản lượng sản xuất pin của Hàn Quốc, cho biết do Covid-19 và cuộc chiến Nga - Ukraine nên chuỗi cung ứng nguyên liệu, trong đó có đất hiếm bị đứt gãy.
"Nhu cầu sử dụng đất hiếm cho các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất pin, linh kiện điện tử, ôtô ở Hàn Quốc nói chung và tỉnh Chungcheongbuk-do rất lớn. Trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế, việc được hợp tác với phía Việt Nam là may mắn rất lớn", ông Kim nói.
Đại diện Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Dương cho biết, từ khi được cấp phép khai thác mỏ, đơn vị đã được đối tác Nhật Bản chuyển giao công nghệ, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế ở Yên Phú thì chưa đạt kết quả như mong muốn do đặc tính khoáng sản.
"Chúng tôi vẫn đang thử nghiệm để đưa tỷ lệ chế biến sâu đạt yêu cầu xuất khẩu, sau đó khai thác ở quy mô công nghiệp. Việc thử nghiệm rất khó khăn, tốn kém do phải nghiên cứu công nghệ", đại diện Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Dương nói và cho biết trong năm 2023 sẽ chưa chưa xuất khẩu đất hiếm do công ty đang tập trung ưu tiên vào việc tự nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ.
Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, phần lớn trong số đó đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, pin, nam châm vĩnh cửu phục vụ cho xe điện, tuabin điện gió, máy bay, điện thoại và công nghiệp quốc phòng.
Theo công bố của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam có 22 triệu tấn đất hiếm, đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc 44 triệu tấn. Hai mỏ được cấp phép khai thác là Đông Pao (Lai Châu) sau 10 năm vẫn án binh bất động, mỏ Yên Phú (Yên Bái) đang trong giai đoạn thử nghiệm khai thác ở quy mô công nghiệp. Lý do chế biến sâu đất hiếm là bí mật công nghệ, rất khó chuyển giao, trong khi chủ mỏ chưa tiếp cận được.