Theo hãng thông tấn Anadolu Agency, khám phá mới nằm trong một khu vực được sử dụng làm nghĩa trang. Những gì còn sót lại cho thấy nhà thờ có hình chữ nhật, có tên gọi là "Pompeii of Anatolia" và được xây dựng bởi cộng đồng Kitô giáo đầu tiên ở Priene từ cách đây 1.600 năm.
Nhà khảo cổ Ali Altin tại Đại học Bursa Uludag của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng đây có thể là nhà thờ sớm nhất trong khu vực. Công trình được xây dựng cho nghi lễ Phụng vụ Thánh Thể của các cộng đồng Kitô giáo.
"Chúng tôi phát hiện ra rằng mặt sàn của nhà thờ gồm những viên đá có kích thước nhỏ ghép lại, cùng với khảm trang trí có nhiều họa tiết hình học. Mặt tường bên trong của công trình còn được bao phủ bởi các bức tranh theo chiều dọc", Altin chia sẻ.
Những bức tranh tường này có nhiều lớp khác nhau, tiết lộ rằng nhà thờ đã được sử dụng từ giai đoạn đầu tiên của thời kỳ Kitô giáo đến giai đoạn cuối của thời kỳ Đế quốc Đông La Mã hay Đế quốc Byzantine.
Thành cổ Priene đã được khai quật từ cuối thế kỷ 19. Bên cạnh nhà thờ Pompeii of Anatolia, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều công trình kiến trúc quan trọng khác như đền thờ, nhà hát, quảng trường, tòa nhà công cộng, cửa hàng và các cơ sở giáo dục. Một số khám phá nổi bật có thể kể đến như Đền Athena Polias, Đền Demeter, Thánh địa của các vị thần Ai Cập và nhà thờ Byzantine.
Priene vì vậy được biết đến như một trung tâm phát triển khoa học và nghệ thuật. Thành phố cổ đại này cũng là quê hương của nhà triết học Hy Lạp nổi tiếng Bias of Priene.
Đoàn Dương (Theo Reuters/Anadolu Agency)