Một lượng lớn mảnh gốm (hơn 75.000 mảnh), vỡ ra từ những vật dụng thường ngày như nồi, bình, vò, bát, đĩa... được tìm thấy đã chứng tỏ Suối Linh từng là nơi cư trú của nhiều thế hệ người. Mật độ mảnh gốm rất cao, ken dày trong tầng văn hóa có độ dày khoảng 60-80cm. Đây là một hiện tượng hiếm gặp ở các di chỉ thuộc thời đại kim khí vùng đồi núi miền đông Nam Bộ.
Ngoài chức năng một ngôi làng để cư trú lâu dài, đây còn là một công xưởng lớn, mà theo ngôn ngữ khoa học gọi là một loại hình "di chỉ - xưởng". Ngổn ngang trong hố khai quật là hơn 2.000 hòn đá to, nhỏ mang dấu tích chế tác của bàn tay con người, như dấu cưa, mài, khoan... Các nhà khảo cổ cũng phát hiện nhiều "mảnh tước" - tức là những mảnh đá văng ra trong quá trình đẽo đá sản xuất công cụ - có kích thước từ 2 đến 8cm, vương đầy khu làng cổ.
Theo phán đoán của các nhà nghiên cứu, ắt hẳn nhiều sản phẩm hoàn thiện của làng nghề Suối Linh đã được xuất xưởng ngay từ những ngày đó. Vì trong "tầng văn hóa" chỉ còn lại một số ít sản phẩm phục vụ cho chính dân làng và những phế phẩm. Mặc dầu vậy, con số sản phẩm loại này cũng khá lớn: 176 lưỡi rìu tứ giác, 75 lưỡi rìu có vai, 13 lưỡi bôn, 461 phác vật rìu và bôn đang chế tác dở, 5 lưỡi cuốc..., tất cả đều được làm bằng đá.
Cũng theo phân tích của các nhà khảo cổ, người làng Suối Linh đã trao đổi sản phẩm của mình với nhiều khu vực khác, dựa vào hai tuyến giao thông là sông Bé và sông Đồng Nai. Bằng chứng cho phỏng đoán này là khi khai quật các làng cổ thời kim khí ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai, thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, cách công xưởng Suối Linh gần 100km, người ta tìm được nhiều lưỡi rìu đá có cùng hình dáng, chất liệu và cách chế tác y hệt ở Suối Linh. Sự có mặt của một vài chiếc vòng và lõi vòng bằng đá cũng cho thấy, người Suối Linh còn thạo cả việc chế tác đồ trang sức bằng đá, tuy đấy không phải là "mặt hàng" chủ lực của công xưởng này.
![]() |
Bàn đập bằng gốm. |
Trong đợt khai quật Suối Linh, giới nghiên cứu còn phát hiện thêm 2 di chỉ khảo cổ Cầu Tám và Móng Bò cũng trong huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
(Theo Lao Động)