Theo Cơ quan Quản lý Cổ vật Israel (IAA), hội trường có lẽ đã được sử dụng cho các bữa tiệc hoặc cuộc tụ họp của giới tinh hoa địa phương, hoặc để tiếp đón các chức sắc (người có chức vị trong một số tôn giáo) bởi địa điểm này gần với Núi Đền, nơi linh thiêng nhất của đạo Do Thái.
Đây là khám phá mới nhất được IAA công bố liên quan đến Đường hầm Bức tường phía Tây trong Thành Cổ của Jerusalem. Trước đó, một số phần của hội trường như đài phun nước đã được tiết lộ.
"Hội trường này là một trong những tòa nhà công cộng tráng lệ nhất mà chúng ta từng biết đến từ thời kỳ Đền thờ thứ hai", nhà khảo cổ Shlomit Weksler-Bdolah từ IAA nhấn mạnh.
Đền thờ thứ hai của người Do Thái được xây dựng dưới triều đại của Herod đại đế (trị vì từ năm 37 TCN đến năm thứ 4 TCN) và bị phá hủy bởi lực lượng La Mã vào năm 70.
Phần được khai quật gần đây của hội trường đã làm sáng tỏ cách các nhà cai trị của Jerusalem để lại dấu ấn của họ qua lịch sử. Vào khoảng thời gian Đền thờ bị phá hủy, sảnh tiệc được chia thành nhiều khu vực khác nhau và có "những phòng tắm nghi lễ cực kỳ ấn tượng" bên dưới bề mặt của quảng trường.
Weksler-Bdolah cho biết thêm rằng hội trường đã không còn được sử dụng vào thời kỳ đầu của Hồi giáo, bắt đầu từ thế kỷ thứ 7. Khi đó, người dân Jerusalem hoạt động ở một con phố cao hơn hội trường vài mét.
"Phát hiện mới đã minh họa thêm cho sự phức tạp của cuộc sống người Do Thái ở Jerusalem vào thời kỳ Đền thờ thứ hai", Mordechai Soli Eliav, Chủ tịch Quỹ Di sản Bức tường phía Tây, nói với AFP.
Đoàn Dương (Theo AFP)