Quốc đảo Singapore từ lâu đã trở thành đầu mối giao thương chủ chốt của các tuyến vận tải biển toàn cầu nối Ấn Độ Dương và Biển Đông. Việc tìm thấy hai xác tàu đắm tại cùng một địa điểm ở ngoài khơi Pedra Branca, một mỏm đá phía đông Singapore, là một ví dụ rõ ràng cho điều này
Theo Ủy ban Di sản Quốc gia và Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, các tổ chức đã làm việc cùng nhau trong dự án, xác tàu đầu tiên được phát hiện tình cờ bởi các thợ lặn vào năm 2015. Nó chứa nhiều đồ gốm sứ Trung Quốc có thể có niên đại từ thế kỷ 14. Một số đồ vật tương tự đã được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ học trên đất liền, cho thấy Singapore là một trung tâm buôn bán trước khi thực dân Anh đến vào năm 1819.
Cuộc khai quật dưới đáy biển đối với xác tàu đầu tiên đã dẫn đến việc phát hiện ra xác tàu thứ hai, có khả năng là tàu buôn Shah Munchah được đóng ở Ấn Độ và bị chìm vào năm 1796 khi đang đi từ Trung Quốc đến quốc gia Nam Á này.
Việc khai quật và phục hồi các đồ tạo tác từ hai con tàu đắm đã được hoàn thành trong năm nay. Ban quản lý di sản và tổ chức nghiên cứu cho biết các cổ vật được thu hồi từ xác tàu thứ hai bao gồm đồ gốm sứ Trung Quốc đến thủy tinh và mã não, cũng như mỏ neo và khẩu pháo.
Những khẩu pháo như vậy là đặc điểm điển hình ở các tàu buôn được sử dụng bởi Công ty Đông Ấn - một trong những công ty đầu tiên của Anh được thành lập với mục đích giao thương với Ấn Độ và Trung Quốc - vào thế kỷ 18 và 19.
"Khi bị đắm, tàu buôn Shah Munchah đang chở nhiều đồ gốm sứ trắng và xanh của triều đại nhà Nguyên hơn bất kỳ con tàu đắm nào được ghi nhận trên thế giới. Nhiều mảnh rất hiếm và một trong số đó được cho là độc nhất vô nhị", nhà nghiên cứu Michael Flecker tại Viện ISEAS-Yusof Ishak nhấn mạnh.
Vương triều nhà Nguyên tồn tại vào thế kỷ 13 và 14 ở khu vực ngày nay là Trung Quốc và Mông Cổ. Đây là triều đại đầu tiên "không thuộc nhà Hán" cai trị toàn bộ Trung Quốc trước khi bị nhà Minh lật đổ vào năm 1368.
Đoàn Dương (Theo AFP)