Người gửi: Nguyen Chu Dan
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Boc Lot Hay Khong Boc Lot
Theo tôi, trong thời đại hiện nay, không còn tồn tại thực tiễn "bóc lột", hoặc còn rất ít, không đáng kể (ở một vài bộ lạc nào đó). Khái niệm "bóc lột" chỉ còn trong lý thuyết thôi.
Trong bài viết "Đảng viên làm kinh tế: Thay đổi lớn về tư duy" của ông Nguyễn Quang A, cũng nêu sự lúng túng, không thống nhất trong việc định nghĩa từ "bóc lột". Không thống nhất được cũng dễ hiểu thôi, vì phụ thuộc quan điểm mỗi người, thời điểm nhìn nhận vấn đề.
Nhưng theo tôi, “Exploitation” (từ Ông Nguyễn Quang A dùng) cần hiểu là "khai thác". Khai thác tiềm năng người lao động để tạo ra của cải và vật chất cho xã hội. "Khai thác" sức lao động để phục vụ công việc hữu ích. Nền kinh tế thị trường "khai thác" tiềm năng và sức lao động tốt hơn, nên tiến xa hơn. Hình như từ này ta gọi nên gọi là "hiệu suất lao động" thì phải?
Thời Ông Marx, Lenin, sự "khai thác sức lao động" có thể quá phũ phàng, tàn bạo, kiệt quệ nên gọi là "bóc lột sức lao động" có lẽ cũng không quá sai. Nhưng ngày nay thì khác nhiều. "Sử dụng sức lao động" có lẽ là danh từ phù hợp hơn. Hai từ này nhìn hình thức giống nhau, nhưng đã khác nhau rất nhiều về nội dung. Điều này được Ông Nguyễn Quang A phân tích khá thuyết phục trong bài viết của mình. Tôi rất tâm đắc.
Thời ông Marx, người lao động có rất ít (nếu không nói là không) cơ hội lựa chọn "ông chủ". Ngày nay, người lao động có toàn quyền lựa chọn "ông chủ" cũng như nghề nghiệp mình muốn làm. Nếu ông chủ không đàng hoàng, không bảo đảm các điều khoản lao động, thì người lao động đi chỗ khác. Có thể định nghĩa đây là "sự sa thải ông chủ". Thời "bóc lột" xưa làm gì có chuyện "hợp đồng lao động". Nay, đó là sự thỏa thuận sòng phẳng 2 chiều. Sự áp đặt không có chỗ đứng trong công tác tuyển dụng ngày nay. Ngay chuyện biểu tình, bãi công, lãn công cũng là sản phẩm của sự dân chủ. Tôi chưa thấy giới chủ nào bãi công, chỉ thấy giới thợ thôi.
Nói gần, Oshin là một nghề ở Việt Nam, rất thịnh hành thời mở cửa. Nghề giúp việc, hay nói theo ngôn ngữ xưa thì là người ở, "con ở". Con ở thời xưa: làm nhiều, ăn ít, ngủ ít, bị đánh đập, chửi bới, thậm chí không có quyền công dân. Ăn thì ăn riêng, dưới bếp, ngủ vạ vật đâu đó. Còn người ở ngày nay có lương đàng hoàng (ít thì 2-3 trăm nghìn, nhiều thì 5-7 trăm), ăn uống thậm chí cùng "chủ", ngủ thì có giường chiếu đàng hoàng, thậm chí phòng riêng. Tết, lễ cũng được nghỉ, về quê giỗ bố, mẹ, cưới xin... Đọc bài này, hầu hết mọi người đều nhớ lại khoảng thời gian kinh hoàng khi Oshin về Tết, chơi luôn tới Giằm Tháng Riêng, khiến khổ chủ mệt mỏi mà không làm gì được. Khi gặp vẫn phải vui vẻ. Vậy có gọi là bóc lột không? Tôi nghĩ là không.
Tóm lại, chúng ta hãy quên đi từ "bóc lột sức lao động". Cần cho đảng viên cơ hội "khai thác sức lao động" của mọi người để tạo ra của cải cho đất nước. Đúng như lời ông Quang A nói "Hãy xem Bill Gates, Michael Dell hay thậm chí Soros có là người bóc lột hay không? Họ là những người làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng với cái đầu siêu việt của họ". Đất nước ta có 2 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Cấm họ làm kinh tế thì quả là sự lãng phí không tài nào kể xiết.