Đúng 20h, tiếng trống mở màn cho đêm khai mạc vang lên rộn rã. Trên sân khấu, hình tượng mẹ Thu Bồn trong vạt áo tứ thân trải dài xuống khu đền Tháp và chùa Cầu. Những dải lụa xanh mang bóng dáng dòng sông Thu Bồn trôi xuôi êm ả. Điệu nhạc mang đậm chất dân ca Quảng Nam được tấu lên, câu chuyện trăm năm qua hình tượng mẹ Thu Bồn bắt đầu: “… Vạt áo mẹ chở che chúng con muôn thủa, màu chàm nâu năm tháng dễ gì phai…”. Giọng kể đầy chất thơ, âm vọng trầm lắng, gợi mở thiết tha.
Thiếu nữ Chăm với vũ điệu Apsara. |
Sau đó, loạt trống chầu vang lên rộn rã, sân khấu được nhường lại cho đội quân múa cờ trong trang phục lễ hội truyền thống. Những cô gái mặc trang phục các dân tộc trình diễn những điệu múa lao động. Đôi trai gái Việt - Chăm múa khúc trữ tình trong ngày hội giao duyên. Người xem như bị cuốn hút theo những vũ điệu uyển chuyển. Tiếp đó, sân khấu lại tái hiện cảnh đón tân trạng về làng, dân làng khiêng heo, rượu tụ tập trước sân đình đón mừng. Các trò chơi trong ngày hội như đá gà, đô vật, người Chăm lấy nước… được thể hiện sinh động.
Từ hai bên cánh gà, từng đoàn trẻ em mang trang phục xưa nhiều màu sắc chơi trò chơi kéo co và hát những điệu nhạc đồng dao, ca lên niềm tự hào về 2 di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn và Hội An.
Sau một điểm lặng, ánh sáng lại bừng lên trên sân khấu trong điệu múa Apsara, khúc nhạc Chăm cùng tiết mục múa trống đồng. Từ trên đỉnh Ngọc Linh, hình tượng mẹ Thu Bồn xuất hiện với đội hình rước nước. Người Chăm, người Cơtu cùng nhau múa trong ánh đuốc bập bùng, hòa với nhau thành một khối.
Rước kiệu Bà Thu Bồn. |
Sau lễ khai mạc, một sân khấu khác được dựng dưới chân những ngọn tháp Chàm. 300 mẫu trang phục trong 8 bộ sưu tập của các nhà thiết kế được trình diễn. Những bộ trang phục rực rỡ xuất hiện trong không gian huyền hoặc, giữa cảnh sinh hoạt của người Chăm với các nghệ nhân dệt vải, làm gốm. Đây là ý tưởng của nhà tạo mẫu Minh Hạnh, nhằm nêu bật sự gắn kết giữa truyền thống và hiện đại.
Ông Nguyễn Trung Bình, đạo diễn chương trình, cho biết có 250 người tham gia biểu diễn cho đêm khai mạc, trong đó đa số là người dân địa phương.
Anh Tuấn