![]() |
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cùng Bộ trưởng Ngoại thương Pháp Nicole Bricq cắt băng khai trương năm Pháp-Việt. Ảnh: Hoàng Hà |
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Ngoại thương Pháp, bà Nicole Bricq, cho biết năm Pháp tại Việt Nam là dịp để hai bên thể hiện sự phong phú, mạnh mẽ của mối quan hệ hợp tác song phương và hy vọng thông qua các hoạt động giao lưu trong năm nay, mỗi nước sẽ giới thiệu được những thế mạnh và những khía cạnh đương đại và sáng tạo nhất của nước mình.
Bà Bricq cũng khẳng định mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam là tin cậy và hữu nghị. Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ và dựa trên nền tảng quan hệ tốt đẹp sẵn có, phía Pháp mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam. "Tôi đã đặt Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của Bộ Ngoại thương từ những ngày đầu mới nhậm chức bộ trưởng", bà cho biết.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh phát biểu điểm lại dấu mốc thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước 40 năm trước, sự kiện đánh dấu trang sử mới trong mối quan hệ song phương. Bộ trưởng nhấn mạnh, từ đó đến nay, quan hệ Việt Nam – Pháp ngày càng phát triển năng động, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Đến nay, Pháp trở thành đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Việt Nam. Sự hỗ trợ hiệu quả của Pháp trong lĩnh vực hợp tác phát triển đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian qua, ông Hoàng Tuấn Anh nói.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp ngày càng được gắn kết thông qua các cuộc gặp cấp cao, hợp tác kinh tế và đầu tư, và các hợp tác văn giáo dục - đào tạo và văn hóa. Về thương mại, Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Pháp, là thị trường xuất khẩu hàng đầu và vững chắc của Việt Nam, các doanh nghiệp Pháp cũng là nhà đầu tư EU lớn thứ hai vào Việt Nam.
Về giáo dục, Việt Nam trở thành cộng đồng châu Á đứng thứ hai trong các trường đại học Pháp, thể hiện qua con số hơn 7.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các giảng đường đại học tại Pháp và con số này đã tăng trung bình 30%/năm trong hơn một thập kỷ qua.
Năm Pháp tại Việt Nam được đánh dấu bởi gần 100 sự kiện thuộc tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trao đổi kinh tế, văn hóa và sáng tạo nghệ thuật, giáo dục, quốc phòng, khoa học, du lịch, thể thao... Năm Pháp-Việt được chia làm hai mùa: mùa Pháp tại Việt Nam, kéo dài đến cuối năm nay và mùa Việt Nam tại Pháp, sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2014.
Trong số các sự kiện nổi bật của năm Pháp tại Việt Nam, có Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp-Việt Nam lần thứ hai, diễn ra từ ngày 7 đến 9/4 tại TP HCM, với sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp đến từ Pháp; chương trình đại nhạc hội tại sân vận động Hàng Đẫy ở Hà Nội vào ngày 12/10. Ngoài ra, có sự kiện giao hữu bóng đá của câu lạc bộ En avant de Guingamp với đội tuyển Olympic Việt Nam vào ngày 30/5, và đặc biệt là Lễ hội Ánh sáng lớn tại mặt tiền của Dinh Thống nhất ở TP HCM vào tháng 12, tái hiện lễ hội ánh sáng mà thành phố Lyon tổ chức rất thành công hàng năm.
Không chỉ có hai thành phố lớn, nhiều thành phố khác cũng tham gia vào chương trình năm Pháp-Việt. Các hoạt động như liên hoan phim, hòa nhạc, triển lãm ảnh... sẽ được tổ chức tại Đà Lạt, vừa để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ giữa hai nước, vừa để kỷ niệm 120 năm thành lập thành phố Đà Lạt. Tại Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn... cũng sẽ diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ năm Pháp-Việt, ông Benoit Paimier, tổng điều phối các hoạt động trong năm Pháp-Việt, cho hay.
Ngay tại lễ khai mạc, các đại biểu cũng được thưởng thức màn trình diễn nghệ thuật ẩm thực độc đáo của các nghệ sĩ tạo hình Pháp. Dorothée Selz, nhà điêu khắc và là họa sĩ, thực hiện một tác phẩm điêu khắc ẩm thực đầy màu sắc, Laurent Moriceau thực hiện tại chỗ món bánh nhúng từ "những chiếc khuôn nhiệm màu" và khách mời có dịp thưởng thức một bữa tiệc "buffet treo" trên hàng trăm quả bóng do nhóm "La cellule" trình bày.
Vũ Hà