Phát biểu khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết tuy không nhiều đầu việc, hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa 13. Đó là cho ý kiến về việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng, chỉ đạo chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội 14 của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Theo Tổng bí thư, Đại hội 14 của Đảng sẽ diễn ra vào đầu năm 2026, sau 40 năm đổi mới đất nước và hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Thời gian qua, Tiểu ban Kinh tế xã hội và Tiểu ban Điều lệ Đảng đã chuẩn bị dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị, kinh tế xã hội, xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng. Dự thảo được xin ý kiến Bộ Chính trị để hoàn thiện, trình Trung ương cho ý kiến tại hội nghị này.
Hội nghị dự kiến làm việc trong ba ngày, đến hết 18/5. Tổng bí thư yêu cầu các đại biểu nghiên cứu kỹ tài liệu, cho ý kiến, đặc biệt là dự thảo đề cương báo cáo chính trị và tờ trình của Tiểu ban Văn kiện.
Tổng bí thư lưu ý trong quá trình thảo luận, Trung ương cần làm rõ tính chất, mục tiêu, yêu cầu, phạm vi của mỗi báo cáo và mối quan hệ giữa các báo cáo. Nội dung của Báo cáo chính trị phải mang tầm khái quát cao những vấn đề thuộc về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Báo cáo kinh tế xã hội, Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng cần có sự phù hợp, nhất quán với quan điểm, định hướng lớn nêu trong Báo cáo chính trị, nhưng không trùng lắp với Báo cáo chính trị. Đặc biệt, Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng cần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có) và xây dựng dự thảo Điều lệ mới của Đảng trình Đại hội 14 xem xét, quyết định.
Theo Tổng bí thư, kết cấu của các báo cáo cần được quyết định sớm, ngay tại hội nghị này để kịp hoàn thiện dự thảo đề cương và biên soạn nội dung chi tiết. Cách viết "cũng nên có sự đổi mới sao cho sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương thảo luận cụ thể về Tờ trình và dự thảo Chỉ thị, tập trung làm rõ mục đích, yêu cầu, nội dung đại hội đảng bộ các cấp, công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy.
Trong đó, nội dung cần đặc biệt chú ý là cơ cấu, số lượng cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; tiêu chuẩn, độ tuổi tham gia cấp ủy tỉnh, thành phố (về tuổi tái cử và lần đầu tham gia cấp ủy khi đã nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam); về bầu cử cấp ủy và bầu đại biểu đi dự đại hội Đảng bộ cấp trên.