Tham dự lễ khai mạc có hơn 900 đại biểu đại diện cho 160 đoàn đến từ các nghị viện thành viên, thành viên liên kết, quan sát viên và khách mời quốc tế. Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Quốc hội và nhân dân Việt Nam rất tự hào khi lần đầu tiên là nước chủ nhà đăng cai diễn đàn quan trọng này.
"Trong lịch sử hơn 125 năm của liên minh nghị viện thế giới, thế giới đã chứng kiến nhiều biến động của lịch sử nhưng những tư tưởng lớn vì hoà bình thông qua đối thoại của những người sáng lập vẫn còn nguyên giá trị của thời đại", ông Nguyễn Sinh Hùng phát biểu.
Ông cho rằng cùng với sự lớn mạnh về số lượng thành viên, IPU đã gánh vác sứ mệnh lớn lao trong việc nói lên tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân thế giới để bảo vệ hoà bình và kiến tạo hợp tác đa phương, phát triển luật pháp quốc tế, thúc đẩy đối thoại chính trị, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới...
Đại hội đồng IPU-132 diễn ra từ 28/3 đến 1/4, tập trung vào chủ đề chung “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động". Trong bốn ngày hội nghị, các đại biểu sẽ tham dự 67 hoạt động, trong đó dành thời gian thảo luận nhiều chủ đề quan trọng về vai trò của Nghị viện trong các vấn đề an ninh mạng, hình thành cơ chế quản trị nguồn nước, luật pháp quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia, nhân quyền của các nghị sĩ, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em...
Cũng trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132 sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị nữ nghị sĩ Liên minh Nghị viện thế giới và sự kiện “Đạt được tầm nhìn Bắc Kinh: Quan điểm của nam giới".
"Chúng tôi tin tưởng rằng chương trình nghị sự sẽ thành công tốt đẹp để đưa ra tuyên bố của IPU tại Hà Nội thể hiện các vấn đề lớn được trao đổi và thể hiện những cam kết của IPU, các nghị viện thành viên đối với việc thúc đẩy thực hiện chương trình phát triển sau 2015. Văn kiện quan trọng này sẽ được trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối năm nay", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ.
Ông cho rằng Tuyên bố Hà Nội với thông điệp rõ ràng về vai trò của các nghị viện trong việc thực hiện chương trình phát triển bền vững sau 2015 sẽ là đóng góp thiết thực của Đại hội đồng đối với giai đoạn phát triển mới của cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury nhận định Việt Nam đã đạt đến hình mẫu qua công tác tổ chức Đại hội đồng IPU 132. Đây là một sự kiện bước ngoặt lớn, thể hiện sự đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với sự phát triển chung của IPU và tạo ra mô hình mẫu cho các nước trên thế giới trong việc tăng cường hợp tác giữa chính phủ và quốc hội.
Đại hội đồng IPU-132 là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử, ngoại giao thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng của Quốc hội Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm trong tổ chức liên nghị viện toàn cầu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong buổi sáng 28/3, Hội nghị nữ nghị sĩ lần thứ 21 khai mạc tại Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam được bầu làm Chủ tịch.
Để chào mừng IPU-132, từ ngày 27-29/3, nhiều hoạt động tái hiện lễ hội, phong tục truyền thống của các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Chiều 29/3, gần 500 đồng bào của 25 dân tộc đến từ 14 tỉnh, thành phố, đại diện cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam sẽ tề tựu tại Làng để chào đón, giao lưu với các đại biểu tham dự IPU-132 cùng phu quân, phu nhân.
Năm 1889, tại Paris, thủ đô nước Pháp, Liên minh nghị viện thế giới đã được thành lập theo sáng kiến của hai nghị sĩ đồng thời cũng là hai chiến sĩ đấu tranh cho hoà bình là Frederic Passy - người Pháp và William Randal Cremer - người Anh. Ý tưởng ban đầu của hai nghị sĩ này là mong muốn biến Liên minh nghị viện thế giới thành một phong trào tiên phong đấu tranh vì hòa bình, tạo nên một cơ chế như là trọng tài quốc tế. Nhưng cùng với thời gian và diễn biến của tình hình thế giới, phạm vi hoạt động của IPU đã được mở rộng vì các vấn đề liên quan đến hòa bình đã trở thành yêu cầu cấp thiết và rõ nét.
Phấn đấu cho nền hòa bình thế giới, IPU hướng tới việc củng cố cơ sở pháp lý tạo nền tảng cho các mối quan hệ quốc tế. Xuất phát từ sự nhìn nhận các yếu tố kinh tế, xã hội, tư tưởng trong nhiều trường hợp là nguyên nhân tạo nên sự căng thẳng giữa các quốc gia, tổ chức thế giới của các nghị viện dần dần đã tiếp cận và dành sự quan tâm ngày càng nhiều hơn đối với các vấn đề mang tính toàn cầu.
Hiện nay, IPU có 164 Nghị viện quốc gia thành viên và 10 tổ chức thành viên liên kết.
Lan Hạ