![]() |
Đạo diễn Khải Hưng. |
- Cơ duyên nào dẫn anh đến với truyền hình?
- Tôi đến với lĩnh vực này rất ngẫu nhiên, khoảng những năm 1972-1973, tôi đang làm lập trình máy tính tại một viện nghiên cứu. Khi một đoàn làm phim truyền hình đến chỗ tôi để quay một chương trình khoa giáo, ông viện trưởng bảo tôi giúp họ vì tôi biết chụp ảnh. Lúc đó, đến cả chục ngày mà đoàn làm phim chưa tìm ra kịch bản để làm. Vì sốt ruột, tôi đề xuất với họ cách làm và họ nói với tôi đề cương kịch bản tốt. Thật bất ngờ, bộ phim lại đoạt giải thưởng tại LHP Berlin. Bỗng một hôm có chị đạo diễn nọ đến gặp tôi và hỏi có muốn về đài truyền hình không, tôi hoàn toàn bị sốc. Tôi rụt rè đến hỏi ý kiến ông viện trưởng và ông ấy trả lời rằng đó là một ý nghĩ điên rồ. Nhưng, tôi đã quyết định xin về Đài truyền hình Việt Nam và được xếp vào Ban khoa giáo. Khi Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội mở, tôi nghĩ phải học thêm để bước sang một nghề mới. Tôi thi vào khoa đạo diễn với vốn kiến thức bản năng và lối hành nghề theo kiểu tự phát. Rất bất ngờ, tôi đứng đầu trong số 8 người đỗ vào trường.
Sau khi tốt nghiệp, tôi đề nghị với Đài làm phim truyện. Vào những năm 1980, mọi người cho rằng không thể làm phim truyện trên chất liệu video được, người ta chỉ làm phim truyện bằng phim nhựa, sau đó in ra video. Tôi nài nỉ rất nhiều, cuối cùng tổng giám đốc Đài cũng đồng ý cho làm thí điểm sản xuất mỗi năm một bộ phim. Thời gian thí điểm cực kỳ khó khăn vì chúng tôi phải tự tìm ra cách làm. Tôi nhớ bộ phim đầu tiên có tên Người thành phố, chúng tôi phải mất 6 đêm mới tìm ra cách đánh ánh sáng đêm, phải mất 1 tuần lồng tiếng và gần 2 tháng mới hoàn thành. Sau thành công của Người thành phố, tổng giám đốc yên tâm giao cho tôi mỗi năm sản xuất 2 bộ phim. Năm 1983, tôi rụt rè đưa ra bộ phim thứ hai Cánh diều nhỏ đi dự LHP Truyền hình. Người ta xếp phim đó vào loại sân khấu vì lúc đó chưa có khái niệm phim truyền hình, và Cánh diều nhỏ đoạt huy chương vàng. Bộ phim Lời nguyền dòng sông, chuyển thể từ truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, do tôi đạo diễn, đã đánh dấu một giai đoạn vất vả thứ hai khi cơ chế bao cấp bắt đầu chuyển đổi sang cơ chế thị trường.
- Vì sao anh có "lời nguyền" chỉ làm phim truyền hình chứ không làm phim nhựa?
- Trước khi thực hiện bộ phim Lời nguyền dòng sông năm 1991, rất nhiều người dè bỉu: đã làm phim thì phải làm phim nhựa, không thể chấp nhận thể loại khác là phim truyền hình. Năm 1992 bắt đầu bung ra các loại phim chất liệu video. Tôi đã viết một cuốn cẩm nang về công nghệ làm phim truyền hình. Tôi không phải là người phát kiến cái gì mới lạ mà chỉ là người tổng kết.
- Vì sao báo giới nhận xét anh là người "đanh đá" mỗi khi có những ý kiến về chất lượng phim truyền hình?
- Nó là đứa con của tôi đẻ ra, tôi phải bảo vệ nó chứ. Kinh phí phim truyện video so với phim truyện nhựa chỉ bằng 1/20, nếu báo chí cứ so sánh chất lượng phim truyền hình với điện ảnh thì không công bằng. Tôi thấy việc có nhiều ý kiến khen chê cũng chứng tỏ một điều: người xem rất quan tâm đến phim truyền hình.
- Bộ phim "Không còn gì để nói" của anh mới đây đã gây được sự chú ý đối với người xem, bởi phim đề cập đến một vấn đề khá nhạy cảm và lối thể hiện mới mẻ. Phải chăng sau khi có nhiều ý kiến phàn nàn rằng phim truyền hình quá "nghèo" về mảng đề tài hiện thực, anh phải tìm cách mở đường cho Hãng?
- Truyền hình là một tờ báo, nó phải bám sát tất cả các chủ chương đường lối của Nhà nước. Những bộ phim của chúng tôi không phải chưa bám sát hơi thở của cuộc sống, nhưng mỗi một giai đoạn khác nhau sẽ nảy sinh những vấn đề xã hội khác nhau. Tôi cũng phải đấu tranh rất nhiều mới cho ra mắt được bộ phim Đất và người, Cổ cồn trắng và mới đây là Không còn gì để nói. Bộ phim này mổ xẻ tâm lý của một ông giám đốc phạm tội hai ngày trước khi bị bắt. Với nhân vật này, tôi muốn cảnh tỉnh chính mình và cảnh tỉnh những người quản lý. Ông ta là một ông chủ có toàn quyền trong thời bao cấp, nhưng khi bước sang thời kỳ đổi mới, giám đốc cũng chỉ là một cái nghề như bao nghề khác. Bộ phim là sự thể nghiệm của riêng tôi. Tôi muốn đưa ra một cái gì đó được gọi là sự tìm tòi, để kích thích sự sáng tác trong quá trình tìm kiếm mảng đề tài hiện thực cho anh em trong Hãng.
(Theo Thanh Niên)