Trong suy nghĩ của học sinh, khai giảng là ngày bắt đầu năm học mới. Nhưng ý nghĩa này sẽ không còn nếu học sinh đã bắt đầu năm học mới từ giữa tháng 8, vô hình trung còn ảnh hưởng xấu đến niềm tin ngay trong môi trường giáo dục.
Cháu tôi 10 tuổi, học tiểu học tại TP HCM thắc mắc: "Đã đi học mấy tuần rồi mới khai giảng là sao hả cậu? Sao lại học sớm vậy, không chờ đến ngày khai giảng mới bắt đầu học?". Tôi giải thích đại khái rằng: "Có lẽ vì lý do nào đó, chẳng hạn chương trình học có thể kéo dài hay thay đổi, ngành giáo dục muốn tổ chức cho học sinh học trước". Cháu có vẻ chưa thỏa mãn với cách giải thích đó và hỏi lại: "Sao không lấy ngày khai giảng là ngày bắt đầu năm học mới, hả cậu?".
Khai giảng là ngày đầu tiên học sinh bắt đầu năm học mới, bao giờ cũng là kỷ niệm đẹp trong ký ức được gặp lại thầy cô và bạn bè sau khoảng gần ba tháng nghỉ hè. Việc tổ chức học trước, khai giảng sau đã sai lệch ý nghĩa mở đầu năm học mới. Hơn nữa, không những mất đi sự háo hức mà còn ảnh hưởng tâm lý và niềm tin. Nghịch lý chuyện chưa khai giảng nhưng thầy giáo vẫn lên bục giảng, học sinh vẫn đến trường bình thường. Với học sinh, chứng kiến ngày khai giảng sau khi học là hình thức thủ tục dù buổi lễ ấy vẫn có các chương trình chào đón... Lễ khai giảng dù cũng có băng rôn chào mừng, cũng khẩu hiệu học tập, các đại biểu tham dự, người đọc diễn văn, phát biểu chỉ đạo, văn nghệ nhưng khó tìm thấy tình cảm chân thật. Ở mức độ nào đó giống như một kịch bản, người tham dự với tâm trạng miễn cưỡng.
>> 'Học sinh bớt háo hức vì phải học trước, khai giảng sau'
Đổi mới như thế nào chăng nữa nhưng trước tiên, hãy dạy thật, học thật, đừng tổ chức học trước hơn 3 tuần rồi mới khai giảng. Nên chăng, nếu chương trình kéo dài hay đặc thù từng cấp học có thể lấy ngày học chính thức làm ngày khai giảng, không nhất thiết quy định cho các trường phải tổ chức lễ khai giảng đúng ngày 5/9.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.