Anh đến hồ nước ngọt tự nhiên cao nhất thế giới ở miền trung Nepal, trên dãy Himalaya, vào tháng 10. Là hướng dẫn viên du lịch, Thanh Tuấn, 40 tuổi ở Sóc Trăng, thường tận dụng thời gian rảnh để thực hiện các chuyến trải nghiệm mới lạ và thử thách.
Hành trình của Tuấn tổng cộng 8 ngày. Từ thủ đô Kathmandu, Tuấn đến làng Bandipur, cách 150 km, sau đó tiếp tục đến thành phố Besishahar xin giấy thông hành để đến Manang. Cung đường di chuyển khó, được xem là một trong những cung nguy hiểm nhất thế giới.
Một trong những điều thu hút mắt du khách ở Nepal là các thung lũng với nhiều ngôi làng bên suối trong vắt nằm trên dãy Himalaya. Trên hành trình, Tuấn dừng chân ở làng Chame rồi từ đó ghé Manang để ăn trưa và tìm địa điểm lưu đêm, sau đó đi xe ôm đến làng Khangsa ở đojo cao 3.700 m. Xe ôm có thể dừng dọc đường cho du khách ghi lại những hình ảnh trên cung đường. Tại Khangsa, homestay miễn phí. Du khách chỉ phải trả tiền nước sôi để tắm 20 rupee Nepal (gần 4.000 đồng) hoặc để pha trà ấm nhỏ hay lớn từ 100 rupee Nepal (20.000 đồng) trở lên.
Hôm sau Tuấn đến Base Camp ở độ cao 4.150 m sau khi vượt chặng đường đồi dốc dài tầm 10 km, mất 5 tiếng. Sau Covid-19, khách quốc tế quay lại Nepal rất đông vì yêu thích trekking. Base Camp có nhà hàng và khách sạn cho thuê, một phòng cho 2 người cỡ 500 rupee (gần 95.000 đồng).
Các dịch vụ tương đối đắt vì phải được mang từ đồng bằng lên. Nhà vệ sinh và phòng tắm riêng biệt. Ở Base Camp, du khách đều dừng chân để ổn định nhịp tim và hơi thở. Nếu ai sốc độ cao, thiếu oxy, đã có những trạm cung cấp oxy, một tiếng sử dụng bình khí là 3.500 rupee Nepal (660.000 đồng).
"Nhiều tình huống cần cấp cứu phải sử dụng đến trực thăng. Đối với những chuyến đi thế này, bảo hiểm y tế rất quan trọng", Tuấn cho hay.
Tuấn chuẩn bị kỹ gậy, nước uống dọc đường, và kẹo ngọt để giữ lượng đường nhất định cho cơ thể. Anh còn mang thuốc chống sốc, kem chống nắng, dưỡng ẩm và quần áo chuyên dụng đủ ấm, áo khoác để bảo vệ da khỏi cái nắng rát hoặc hanh khô. Càng lên cao, con người dễ buồn ngủ. Đường đi sẽ dốc, trượt, vì vậy giày leo núi phải thật tốt.
Sau khi nghỉ đêm tại Base Camp, Tuấn đi bộ tầm 2 tiếng lên hồ Tilicho. Từ Besishahar đến Manang, con đường mở ra đầy thử thách: một bên là núi, một bên là vực thẳm, có chặng phải vượt qua một cây cầu sắt vắt ngang vực sâu 3.500 m.
Đoạn đường còn lại từ nơi đặt biển báo địa hình có phần bằng phẳng hơn và rộng hơn, chủ yếu là bình nguyên. Khi Tuấn tới chặng này, nhiệt độ đã xuống thấp.
Hồ Tilicho hiện ra trong mắt Tuấn đầy vẻ kỳ vĩ với những núi băng sừng sững. Quang cảnh hồ đẹp và tĩnh lặng, đặc biệt rất lạnh. Anh có thể nghe thấy tiếng gió hú, tiếng tuyết rơi, tiếng đá trôi xuống sườn dốc.
"Tôi thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên", Tuấn kể. "Đường đi quả thật gian nan nhưng vô cùng xứng đáng khi được tận mắt nhìn thấy màu xanh thẳm dưới lòng hồ sâu bên dưới những núi đá cao ngút đầy hiểm trở".
Lữ khách cũng ngạc nhiên, khi thấy những người dân địa phương lau chùi các bức tượng xung quanh hồ. Người theo đạo Hindu tin rằng hồ Tilicho chính là hồ Kak Bhusundi cổ xưa được nhắc đến trong sử thi Ramayana.
Gió mạnh khiến cái lạnh càng thấm, Tuấn chỉ lưu lại hồ chừng 30 phút để chiêm ngưỡng thiên nhiên, rồi phải rời đi để tránh bị cảm.
Về lại Khangsa tầm 17h, anh nghỉ đêm ở làng Pisang, nơi có ngọn núi mặt quỷ nằm trong dãy Himalaya. Từ Pisang về lại Besishahar anh nghỉ một đêm nữa để hôm sau về lại thủ đô Katmandu khám phá ẩm thực, văn hóa.
Để có chuyến đi như mong đợi, kinh nghiệm của Tuấn là mua đủ thực phẩm và đồ thiết yếu ngay ở Katmandu vì dọc đường không có hàng quán. Tổng chi phí chuyến đi của Tuấn hết 27 triệu đồng, gồm vé máy bay, ăn uống lưu đêm, visa cửa khẩu...
Tuấn nói anh đã bị thuyết phục bởi sự hùng vĩ của phong cảnh và sự thân thiện của con người Nepal. Trong tương lai, nếu có dịp, anh tự nhủ sẽ quay lại nơi này để chinh phục những mục tiêu khác. "Thật sự Nepal còn quá nhiều cái hay cái đẹp mà tôi chưa biết đến", anh nói.
Thanh Thu
Ảnh: NVCC