Giới chức Hàn Quốc ngày 3/12 thông báo đang tìm kiếm 38 du khách Việt Nam nhập cảnh vào đảo Jeju theo diện miễn visa nhưng đã mất liên lạc và không lên chuyến bay khứ hồi. Nhóm này đến Jeju từ Nha Trang vào ngày 14/11 và biến mất vào ngày 17/11 tại điểm tham quan cuối cùng. Họ sẽ bị coi là cư trú bất hợp pháp sau hôm nay, thời điểm 30 ngày miễn visa hết hạn.
Sự cố trên không phải câu chuyện mới với các đơn vị lữ hành bán sản phẩm du lịch Hàn Quốc. Ông Hoàng Minh, CEO một công ty lữ hành lớn trụ sở ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nói các chuyến bay charter tới Jeju hay trước kia là tỉnh Gangwon thường bị các đối tượng có mục đích xấu nhắm đến vì điểm này miễn visa.
Sau khi thuê được chuyến bay charter, các công ty lữ hành sẽ tiến hành chào khách để bán suất. Tuy khách không cần xin visa khi bay charter tới Jeju, công ty lữ hành vẫn cần kiểm tra bộ hồ sơ gồm hộ chiếu; CCCD; giấy đăng ký kết hôn, ly hôn; hồ sơ công việc và cả sổ tiết kiệm nếu cần.
Công ty lữ hành có trách nhiệm kiểm duyệt hồ sơ và phải chịu trách nhiệm trước những hồ sơ đã nộp lên Đại sứ quán. Ba tháng một lần, Đại sứ quán sẽ xét duyệt - hủy tư cách nộp hồ sơ với các đơn vị thường sai sót hoặc để xảy ra sự cố như lọt khách đi với mục đích không phải du lịch. Trong trường hợp có thông đồng, giúp khách hàng lợi dụng du lịch để trốn lại, công ty sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Do Hàn Quốc không yêu cầu xin thị thực với du khách tới Jeju theo chuyến bay charter, một số công ty cũng xem nhẹ khâu duyệt hồ sơ, dẫn đến để lọt hồ sơ xấu.
Kể cả kiểm duyệt hồ sơ chặt, việc để lọt cũng có thể xảy ra. Khoảng 10 năm trước, công ty của ông Minh từng "dính" khách trốn lại Hàn Quốc dù hồ sơ của người này ban đầu được đánh giá "đẹp" với lý lịch giáo viên về hưu. Sau khi cơ quan chức năng điều tra, ông mới biết người này có con trốn sang Hàn Quốc lao động bất hợp pháp và mới sinh em bé. Do không thể đưa đứa bé đi nhà trẻ, nữ giáo viên về hưu đã trốn lại Hàn Quốc sau chuyến du lịch để đến ở cùng con, hỗ trợ trông cháu.
Trước đây, nhiều công ty lữ hành thường áp dụng biện pháp thu hộ chiếu để đảm bảo khách không trốn giữa chừng. Cách làm này hiện không phổ biến vì nhiều khách yêu cầu trả hộ chiếu để đi lại lúc lịch trình tự do. Nhiều khách chờ tới ngày cuối cùng mới trốn - thời điểm hướng dẫn viên có phần lơ là hơn.
"Nếu đã muốn trốn, họ có đủ cách, khó kiểm soát hết", ông Minh nói và cho biết có trường hợp bỏ cả hộ chiếu để trốn lại.
Bà Diệu Anh, giám đốc một đơn vị lữ hành ở Hà Nội, cũng gặp trường hợp khách trốn năm 2016 để lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc với mức lương cao. Với hồ sơ yếu, người này gần như không có khả năng xin visa, nên đã "đánh liều" mua tour du lịch châu Âu, giá khoảng 60-70 triệu đồng, đồng thời cọc một khoản tiền rất lớn để đảm bảo sẽ quay về.
Hồ sơ của người này được thông qua và chuyến đi châu Âu diễn ra suôn sẻ. Sau khi về Việt Nam một thời gian, người này mua tour đi Hàn Quốc và được công ty duyệt hồ sơ do tin tưởng "có lịch sử du lịch châu Âu". Ngay khi sang Hàn Quốc, người này đã trốn mất. Theo bà Diệu Anh, số tiền tour châu Âu cộng tiền tour Hàn Quốc người này chi không chưa bằng tiền phải trả cho các bên môi giới lao động bất hợp pháp.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, phân tích trách nhiệm trong các vụ lợi dụng du lịch để trốn lại Hàn Quốc từ nhiều phía. Thứ nhất, cơ quan quản lý của Hàn Quốc vẫn để lỏng chính sách thị thực ở một số điểm như Jeju dù có nhiều tiền lệ trong quá khứ.
Mặt khác, ông Thành nói chuyến bay charter hay thương mại đều không phải kẽ hở cho việc trốn bất hợp pháp, điều quan trọng là cần chặt chẽ trong khâu xử lý hồ sơ. Nhiều công ty lữ hành không kiểm tra kỹ thông tin khách vì chủ quan, dẫn đến khả năng bị lợi dụng. Áp lực phải bán hết chỗ do đã mua toàn bộ chỗ trong chuyến charter cũng khiến nhiều đơn vị lỏng lẻo hơn trong khâu nhận khách.
Phó giám đốc Lưu Thị Thu của Hoàng Việt Travel cho biết với người có kinh nghiệm, chỉ cần hỏi 2-3 câu cũng lọc được những hồ sơ có vấn đề. Gần đây, bà đã từ chối một khách trong đó có người 27 tuổi, sống ở Hà Nội, cho biết đang làm ở quán nhậu với thu nhập khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng, trả bằng tiền mặt, không thể sao kê tài khoản.
"Các công ty lữ hành đều cố gắng duyệt hồ sơ chặt vì sợ bị phạt, không được phép nộp hồ sơ xin thị thực trong năm tới", bà Thu nói.
Bên cạnh đó, một số người trong ngành du lịch tiết lộ có trường hợp một số cá nhân, tổ chức hoặc chính công ty lữ hành "bắt tay" với đường dây môi giới để dẫn khách du lịch kết hợp bỏ trốn, bất chấp bị phạt. Số tiền thu được sau những phi vụ này không nhỏ.
Năm 2016, 59 khách Việt cũng trốn sang Hàn Quốc lao động trái phép theo đường du lịch. Khi bị bắt, một số đối tượng khai đã thuê một số cá nhân đưa sang Jeju dưới hình thức du lịch để trốn ở lại lao động; tiền lo thủ tục từ 8.500 đến 12.000 USD.
Theo bà Thu, các trường hợp trốn qua đường du lịch là thiểu số. Tuy nhiên, các công ty lữ hành cần chặt chẽ trong mọi khâu để tránh sự cố đáng tiếc.
*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi
Hoài Anh