Chỉ riêng VinFast, thương hiệu Việt với 3 sản phẩm có mức tăng trưởng dương, 16,6%, đạt 2.717 xe bán ra. Trong đó, hatchback cỡ nhỏ Fadil chiếm hơn phân nửa doanh số với 1.559 xe, hai mẫu còn lại là Lux A2.0 đạt 627 xe và Lux SA2.0 đạt 531 xe.
Các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) bán 26.409 xe trong tháng 4, giảm 10% so với tháng trước. Toyota là hãng bán xe nhiều nhất trong VAMA với 5.598 xe (không tính thương hiệu hạng sang Lexus).
Vios vẫn đóng vai trò chủ lực doanh số của liên doanh Nhật nhưng không còn ở thế thống trị. Corolla Cross, mẫu CUV nhập khẩu nổi lên trở thành ngôi sao mới của Toyota khi liên tiếp lọt top xe bán chạy nhất trong những tháng gần đây. Trong khi những cái tên như Innova, Fortuner không còn xuất hiện.
Dẫn đầu toàn thị trường ôtô về doanh số là TC Motor, hãng phân phối xe Hyundai. Tương tự VAMA, lượng bán hàng của hãng này cũng sụt giảm nhẹ (4%) trong tháng 4, đạt 6.538 xe. Accent dẫn đầu thị trường khi tiêu thụ 2.150 xe, tiếp tục chiếm ưu thế trước "gã khổng lồ" Vios.
Thiếu hụt linh kiện, chất bán dẫn cho lắp ráp xe trong nước, nguồn cung từ nhà máy nước ngoài giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là những nguyên nhân khiến lượng xe mới đến tay khách hàng trồi sụt thất thường. Doanh số thị trường vì thế không duy trì được đà tăng. Một số sản phẩm của các hãng như Suzuki, Mitsubishi, Honda, Toyota, Mercedes hiện chậm giao xe cho khách so với dự kiến do chờ đợi nguồn cung.
Đại diện các hãng cho biết, tình trạng khan hàng một số mẫu xe mới có thể kéo dài sang tháng 5, tháng 6 khi dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Đầu tháng 5, đợt dịch mới lại bùng lên ở Việt Nam khiến sức tiêu thụ ôtô trước nguy cơ tiếp tục sụt giảm.
Thành Nhạn