Phát biểu trong buổi "Tọa đàm Đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch" diễn ra vào ngày 7/11 tại Hà Nội, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình nhận định du lịch Việt Nam đang khởi sắc trở lại sau Covid-19. Lượng khách du lịch nội địa trong 10 tháng đầu năm đạt 98,7 triệu lượt, tăng gần 10% so với cùng kỳ và cao hơn cả năm 2019 với 85 triệu lượt, đạt 97% mục tiêu đề ra hồi đầu năm là đón 102 triệu lượt.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết khách Việt đi du lịch nội địa nhiều hơn trước dịch nhưng doanh thu từ du lịch của công ty lữ hành không được như kỳ vọng. Nền kinh tế của Việt Nam vẫn chưa thực sự phục hồi. 2023 là năm "ngấm" về sự khó khăn trong kinh tế dẫn đến chi tiêu cho du lịch giảm. Nhu cầu du lịch của khách nội địa vẫn có nhưng sẽ cân đối lại. Thay vì đi xa khách sẽ đi gần, thay vì đi dài ngày sẽ chuyển sang ngắn ngày hơn. Nếu như trước đây khách ưu tiên các chuyến du lịch xa xỉ thì năm nay du khách ưu tiên các chương trình khuyến mại, giảm giá nhiều hơn. Nhờ công nghệ phát triển du khách có xu hướng du lịch tự túc hoặc mua một phần dịch vụ tour nhiều hơn mua trọn gói.
Cũng trong 10 tháng đầu năm Việt Nam đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt đưa ra hồi đầu năm. Ông Hoan nhận định để đón được 18 triệu lượt khách quốc tế như trước dịch hoặc cao hơn, Việt Nam "còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết". Theo ông Phạm Hà, CEO Lux Group kiêm chuyên gia trong lĩnh vực du lịch sang trọng, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay để thu hút nhiều du khách hơn nữa là Việt Nam cần xác định được điểm mạnh là gì rồi mới lên chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch.
Ông Hà nhận định Việt Nam vẫn chưa định vị thương hiệu một cách rõ ràng. Người Việt thích nói và nghe, ít đọc, do đó cần quảng bá bằng hình thức đa phương tiện để thu hút khách nội địa. Việc quảng bá ra nước ngoài của Việt Nam bằng ngoại ngữ còn "kém", nội dung chung chung, nên chưa thu hút được khách ngoại.
Phương Anh