Thanh Vũ (31 tuổi, Hà Nội) từ nửa năm trước đã có ý định mua xe, nhưng sau đợt giãn cách dài, Vũ nghĩ lại. Nghề làm nội thất sàn gỗ bấp bênh trong những ngày dịch bệnh. Vợ nói phải lo tiết kiệm nhiều hơn, nên dù các nhân viên bán xe hàng ngày nhắn tin Zalo, Facebook các chương trình ưu đãi, Vũ vẫn chưa đủ tự tin để xuống tiền. Mà đúng hơn, là chưa đủ tự tin để xin vợ.
Những người như Vũ đang khiến showroom ôtô dù đã mở cửa trở lại, vẫn khá đìu hiu. Tại Hà Nội, nhiều đại lý cho biết lượng khách tới xem xe trực tiếp không biến động so với trước giãn cách, khách hàng tiềm năng cũng thấp hơn và nhiều khách hoãn kế hoạch mua xe. Một số khác lại muốn chờ đến khi giảm lệ phí trước bạ, dù đây chỉ là thông tin đồn thổi.
Các nhân viên bán hàng cho biết khách tìm hiểu qua mạng nhiều hơn nhưng chủ yếu là tìm hiểu thông tin xe chưa ra mắt, hoặc mới ra mắt nhưng xe chưa về đại lý, lượng khách muốn lái thử cũng thấp hơn. Một số tư vấn bán hàng cho biết, nhìn chung cuối năm nay thị trường không còn nhộn nhịp như các năm khi thông thường đến tháng 10-12 là thời điểm nhiều gia đình đi mua xe cuối năm, công ty trang bị thêm xe mới.
Tương tự Hà Nội, tình hình ở TP HCM cũng không khá khẩm hơn. "Showroom hiện vẫn chia ca nhân viên làm việc, lượng khách đến showroom tham khảo, lái thử vẫn chưa tăng", bà Ngân Hà, giám đốc bán hàng đại lý Mitsubishi Phương Nguyên, quận Bình Tân, TP HCM cho hay. "Tâm lý khách vẫn còn e ngại dịch bệnh, ít muốn tiếp xúc người khác và quan trọng hơn, dịch khiến thu nhập của họ giảm sút nên việc mua xe cũng được cân nhắc lâu hơn".
Bà Hà cho biết, trong khoảng nửa tháng qua, đại lý ký trung bình 5-7 hợp đồng/ngày, tương đương ngày thường khi chưa có dịch. Trong khi đó, trung bình có khoảng 7 lượt khách đến showroom xem xe, giảm 40% so với ngày thường.
Một số đại lý khác ghi nhận con số khả quan hơn, ví như showroom Toyota ở quận 7. "Hợp đồng chốt khách tăng khoảng 50% so với ngày thường nhưng chủ yếu là khách được nhân viên chăm sóc từ trước, không phải khách mới. Trong khi lượng hợp đồng mới phát sinh trong 2 tuần đầu không có gì đột biến", quản lý showroom cho biết.
Tương tự Mitsubishi và Toyota, các đại lý của Honda cũng khởi động lại chậm chạp. Phó giám đốc kinh doanh một đại lý Honda nói rằng thị trường vẫn chưa bùng nổ. Anh dự đoán cao điểm rơi vào hai tháng cuối của năm 2021. "Hiện một lượng lớn khách hàng, dù chưa có thông tin chính thức về giảm phí trước bạ cho xe lắp ráp nhưng đã sinh tâm lý chờ đợi", anh nói.
Đại lý nơi anh làm việc ngày thường khi chưa có dịch, cao điểm có khoảng 10-12 khách đến tham khảo xe nhưng hiện trung bình chỉ còn khoảng 5-6 khách. Không sôi động tại các showroom, khách hàng chuyển sang các kênh online để tương tác với nhân viên bán hàng. Nửa tháng qua, đại lý này chốt 22 hợp đồng, trong khi nếu trước dịch, nửa tháng đã bán được khoảng 70 xe.
Thị trường chưa nhộn nhịp sau giãn cách còn do nhu cầu sụt giảm từ nhóm mua xe kinh doanh dịch vụ. Dịch bệnh khiến nguồn thu của họ sụt giảm, kinh tế bắt đầu hồi phục nhưng vẫn chưa thể trở lại trạng thái bình thường như trước. Khách có xu hướng mua xe phục vụ cho gia đình vì muốn chăm lo sức khỏe hơn là kinh doanh. Bên cạnh đó, quyết định mua xe đã được cân nhắc kỹ hơn chứ không dễ như trước.
Việc cầm chừng hoạt động lại có một tác động tích cực khác tới những người tiêu dùng có khả năng mua xe vào lúc này. Hiện khắp các đại lý của các hãng đều có chương trình giảm sâu cho tất cả các dòng xe, từ vài chục tới hàng trăm triệu. Ưu đãi này có thể khiến Thanh Vũ có cơ sở hơn để thuyết phục vợ anh "xuống tiền", và cũng là đòn bẩy giúp thị trường ấm trở lại trong những tháng cuối năm.
Thành Nhạn - Anh Dũng