Nguyễn Lan Uyên, biệt danh Saru, đã đặt chân đến các tỉnh thành Việt Nam và hơn 20 nước thế giới. Cô vừa trở về sau chuyến khám phá Pakistan mùa thu. Dưới đây là chia sẻ của cô về hành trình này.
Pakistan là nơi người ta thường tỏ ra e ngại khi nhắc đến. Tuy nhiên, suốt gần ba tuần lang thang mạn phía bắc, mỗi vùng đất tôi đặt chân tới đều mang lại cảm giác an toàn và vô lo. Cũng tại đây, tôi lần đầu thấy nhiều người đẹp như tạc tượng đến vậy.
Đang chuẩn bị ăn trưa trong nhà hàng ở trung tâm Gilgit, tôi đi ra ngoài mua thuốc cho người bạn bị đau bụng, ngay giờ học sinh tan trường. Những đứa trẻ ở "vương quốc núi non" say mê ngắm người lạ mặt đến từ nước ngoài. Chúng ban đầu còn bẽn lẽn, rồi sau đó lại tranh nhau để được nắm tay tôi, dẫn tôi đi khắp khu chợ với vẻ mặt rạng ngời, đầy tự hào. Đôi mắt to, trong veo, vết lấm lem trên gương mặt là "đặc sản", nhưng dường như không thể làm mất đi những đường nét sắc sảo, đẹp tựa thiên thần của lũ trẻ.
Mấy đứa bé mặc đồng phục học sinh vẫn cứ nằng nặc đòi tôi đến trường của chúng, tham quan lớp học và nhất định dẫn tôi đến gặp thầy hiệu trưởng cho bằng được. Học sinh ở Pakistan đều có khả năng giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, và tự tin kể về trường lớp, thầy cô... không một chút vấp váp. Trong khi các cô giáo có một chút e ngại, và kéo khăn Hijab che mặt, thì lũ trẻ vô cùng hào hứng dẫn tôi vào lớp học, một căn phòng với không gian đầy sáng tạo và màu sắc.
Phụ nữ ở Pakistan rất hiếm khi đi ra đường, đặc biệt là thiếu nữ. Khi tôi đi lang thang ở ngôi làng nhỏ, các cô gái thấy tôi liền cười khúc khích, nhưng khi tôi đến nơi, họ lại trốn hết vào nhà và đóng cửa lại. Tôi chào lớn bằng tiếng Ả Rập: "Assalamu Alaykum" (Xin chào), họ có vẻ ngạc nhiên, sau một hồi bẽn lẽn, thì mới mở cửa, bước ra ngoài, và nói tiếng Anh rất trôi chảy.
Đàn ông Pakistan chiếm 90% trên đường phố. Họ để râu quai nón, dáng người cao ráo. Đặc biệt, đôi mắt sâu hút, đầy quyến rũ. Đàn ông là lao động chính trong nhà, làm đủ công việc như sửa chữa, giao thương... Nhưng phụ nữ Pakistan cũng ít khi chịu ở trong nhà nội trợ như các quốc gia Hồi giáo truyền thống.
Hướng dẫn viên địa phương Faisal nói với tôi rằng: "Cũng như phụ nữ gia đình khác, trong nhà tôi, các chị em gái của tôi đều tu nghiệp ở nước ngoài, các quốc gia phát triển, hoặc ít nhất cũng đang làm việc ở các thành phố lớn, như Karachi, hoặc thủ đô Islamabad".
Vì lẽ đó, tôi ít gặp các cô gái trên đường phố, ở những vùng núi cao. Có chăng vào dịp cuối tuần, họ trở về nhà quây quần bên gia đình. Còn lại là những người phụ nữ lớn tuổi đang giặt giũ, ôm cháu, hoặc những đứa trẻ làng đuổi cừu trên cánh đồng cỏ xanh.
May mắn, chúng tôi gặp một đám cưới trong làng ở thung lũng Gupis. Chú rể nhận thấy những vị khách lạ mặt từ phương xa, liền mời chúng tôi vào nhà dùng cỗ. Chúng tôi vào gian phòng nhỏ, những người lớn trong nhà đều đến ngồi xung quanh, rồi bày ra một ít thức ăn cưới để đãi khách. Sau đó chúng tôi cùng nhau ca hát nhảy múa với mọi người trong làng. Họ hãnh diện khi một đám cưới có sự tham gia của những du khách ngoại quốc, điều hiếm khi xảy ra. Còn chúng tôi thực sự không còn lời nào diễn tả cảm xúc của mình, vì quá vui với những trải nghiệm đặc biệt, không phải ai cũng có.
Suốt ba tuần khám phá, tôi cho rằng con người chính là điểm nhấn đặc biệt ở Pakistan. Một đất nước Hồi giáo với những tín đồ dòng Ismaili, thuộc nhánh Shia đầy thân thiện, và cởi mở. Trẻ em, phụ nữ được đến trường, tự do làm những công việc mình thích. Thậm chí, trong những quán cà phê ở thủ đô Islamabad, tôi thấy những cô gái tóc nhuộm tím và hút thuốc lá. Tuy chưa phải là điểm đến phổ biến, gần đây, du lịch Pakistan dần hồi sinh, và đang phát triển mạnh mẽ.
Xem thêm ảnh về con người Pakistan
Nguyễn Lan Uyên
Ảnh: Saru, Trần Thy Ân