Nội dung này nêu tại Thông tư về cơ cấu lại hạn trả nợ cho khách hàng vay chịu thiệt hại bởi bão Yagi và hoàn lưu bão của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, các ngân hàng có quyền quyết định cơ cấu lại hạn trả nợ với dư nợ gốc và lãi dựa trên đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng. Việc cơ cấu áp dụng cho cá nhân hoặc doanh nghiệp có trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh tại 26 tỉnh, thành phía Bắc ảnh hưởng của bão Yagi (như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn...).
Các ngân hàng được xem xét cơ cấu với dư nợ gốc phát sinh trước 7/9 hoặc nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong thời gian từ 7/9 đến hết năm sau.
Việc xem xét cơ cấu hạn trả nợ được thực hiện từ ngày 4/12 - thời điểm Thông tư có hiệu lực - đến hết năm sau và không giới hạn về số lần cơ cấu. Thời hạn trả nợ cuối cùng được xác định tùy theo mức độ khó khăn của khách hàng, nhưng không quá 31/12/2027.
Cũng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro với khoản vay được cơ cấu lại, theo quyết định của Thủ tướng. Ngân hàng không hạch toán thu nhập (dự thu) với lãi phải thu của khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm 1 (đủ tiêu chuẩn). Thay vào đó, họ theo dõi để đôn đốc thu từ khách hàng.
Bão Yagi và hoàn lưu bão hồi tháng 9, đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Trước đó, theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn, bão Yagi ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất nông nghiệp, du lịch miền Bắc và gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 81.500 tỷ đồng.
Với ngành ngân hàng, trên 94.000 khách vay với tổng dư nợ 165.000 tỷ đồng chịu thiệt hại nặng sau bão Yagi. Trong đó, Quảng Ninh là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, với hơn 17.500 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ 46.425 tỷ đồng.
Quỳnh Trang