Hè năm nay tại Barcelona, thành phố hút khách bậc nhất Tây Ban Nha, dân địa phương gần như biến mất tại các nhà hàng ăn uống do nắng nóng và mọi người đã đi nghỉ mát. Nhờ có khách du lịch, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh mới được lấp đầy chỗ trống. "Khách du lịch chiếm 50% lượng khách hàng của chúng tôi", Marc, quản lý một nhà hàng, cho biết.
Pablo, du khách Bỉ, đang cùng gia đình đến Barcelona "thấu hiểu" khi thấy người dân địa phương phản đối quá tải du lịch. "Nhưng du lịch lại giúp thành phố tồn tại", nam du khách nói. Anh nhận định thành phố vẫn cần du lịch. Nếu ngừng đón khách, các hộ kinh doanh sẽ gặp khó khăn và thua lỗ nhiều hơn.
Các khách du lịch khác cũng nói rằng "cảm thấy được chào đón khi đến Barcelona", bất chấp các vụ biểu tình đòi đuổi khách về nhà diễn ra từ đầu năm đến nay.
Lần biểu tình gần nhất tại thành phố là đầu tháng 7, với hơn 100 tổ chức địa phương đã tham gia phản đối tình trạng quá tải du khách của thành phố cũng như chính quyền địa phương vì không có biện pháp ngăn chặn thích hợp. Hàng nghìn người tham gia biểu tình đã tuần hành qua các khu vực đông khách du lịch, hét to "du khách về nhà đi" và dùng súng nước xịt vào họ. Số khác giơ cao băng rôn với dòng chữ "Chúng tôi không bán Barcelona".
Cuối tuần qua, biểu tình rầm rộ diễn ra ở Mallorca, đảo nổi tiếng của Tây Ban Nha. Du lịch đông đúc, không kiểm soát đang làm giảm chất lượng cuộc sống, ô nhiễm tiếng ồn, giá nhà tăng và cả giá mua bán vật phẩm, thuê nhà của người dân địa phương.
Hồi đầu năm, người dân Malaga bày tỏ thất vọng bằng cách treo băng rôn, biểu tình phản đối du lịch đại chúng cũng như cho du khách biết cảm xúc của họ.
Du lịch quá tải không chỉ diễn ra tại Tây Ban Nha. Nhiều nước châu Âu đã áp dụng thu thuế du lịch, trong đó có Venice, để ngăn chặn tình trạng này. Tại Amsterdam, Hà Lan, chính quyền và người dân địa phương kêu gọi du khách say xỉn nên tránh xa điểm đến này. Tuy vậy, biểu tình phản đối khách tại Tây Ban Nha hiện vẫn được biết đến là mạnh mẽ nhất.
Anh Minh (Theo Euro News)