Trên một bến tàu ở thành phố biển Pattaya (Thái Lan), Huang Hubin và Huang Junjie, đến từ Quảng Châu, đang tận hưởng kỳ nghỉ đầu tiên kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại. Chuyến này họ đi tự túc. Nhờ vậy, hai vị khách được "giải thoát" khỏi lịch trình tour nghiêm ngặt, có hướng dẫn viên - hình thức du lịch chính từ Trung Quốc đến Thái Lan trước dịch. Hơn 10 triệu lượt khách Trung đã đến Thái năm 2019.
Hai anh em Hubin và Junjie là đại diện cho kiểu khách du lịch mới ở Trung Quốc hiện nay: trẻ, biết sử dụng các ứng dụng trên mạng phục vụ chuyến đi như tự đặt phòng, vé và có đủ tiền. Họ hướng tới các kỳ nghỉ mang lại giá trị và trải nghiệm khác với đi du lịch chụp ảnh từ xe buýt, ăn thực đơn cố định trong nhà hàng, dừng chân vội vã tại các bãi biển đông đúc. Những vị khách này được gọi là "khách du lịch tự do và độc lập - FIT". Họ đang quay trở lại Đông Nam Á thông qua các chuyến đi để khám phá ẩm thực địa phương, tìm kiếm sự phiêu lưu, mạo hiểm và cả cơ hội khoe các trải nghiệm này lên trang cá nhân.
"Thái Lan gần, dễ xin thị thực và thời tiết ấm áp", Hubin nói sau khi có một ngày lặn biển với ống thở và đi mô tô nước quanh một hòn đảo ở Pattaya. Hiện tại, khách Trung Quốc đến Thái với mục đích du lịch chỉ cần xin visa cửa khẩu.
Nền kinh tế vốn phụ thuộc phần lớn vào du lịch như Thái Lan dần phục hồi sau Covid-19. Chính quyền đang làm mọi cách để thúc đẩy khách Trung quay lại. Nhưng đã hai tuần kể từ khi Trung Quốc cho phép đi du lịch theo đoàn đến Thái Lan, quốc gia này chỉ thu hút một lượng nhỏ. Các công ty lữ hành ở Thái cũng như những người mong đợi sự phục hồi nhanh chóng của du lịch đại trà Trung Quốc khá lo lắng. Du lịch đại trà là một hình thức tham quan có tổ chức (đi theo tour), với một lượng lớn du khách đổ xô đến các điểm nghỉ mát nổi tiếng với mục đích giải trí. Đây là hình thức phổ biến vì thường là cách rẻ nhất để đi nghỉ.
Không chỉ Thái Lan, sự vắng vẻ này cũng diễn ra tại Malaysia. "Trước dịch, chúng tôi cần vài xe buýt cho mỗi đoàn. Nhưng bây giờ, mỗi nhóm chỉ khoảng 20 người", Uzaidi Udanis, Chủ tịch Hiệp hội Khách du lịch quốc tế Malaysia, nói. Lý do, theo Uzaidi, là thiếu các chuyến bay thương mại trực tiếp với đại lục sau dịch.
Tại Bali, Indonesia, tiếng ầm ầm của những xe buýt lớn chở khách Trung Quốc cũng chưa có. Hòn đảo nghỉ dưỡng đã đón nhiều khách quốc tế quay lại từ năm 2022, đến từ Australia, Nga và Ấn Độ. Nhưng các doanh nghiệp địa phương vẫn mong chờ sự trở lại của khách Trung. "Tôi hy vọng các công ty du lịch sớm đưa họ đến đây, để chúng tôi được hưởng lợi", Agung Putra, người bán đồ uống bên bờ biển Kuta, Bali nói.
Chính quyền Bali thống kê gần 1,2 triệu lượt khách Trung Quốc đến đảo vào 2019, chiếm 20% tổng số khách quốc tế. Nhưng từ đầu năm, hòn đảo chỉ đón gần 10.000 lượt khách đại lục. "Chúng tôi đã kiến nghị mở đường bay Bali - Quảng Châu, Thượng Hải và Bắc Kinh", Putu Winastra, Chủ tịch Hiệp hội các công ty du lịch và lữ hành Indonesia, nói. Giống Malaysia, ít các chuyến bay thẳng nối các thành phố ở Trung Quốc đến Bali đang là một vấn đề.
Singapore cũng đang đối mặt với tình trạng khách Trung đến nhỏ giọt. Chỉ một số ít đến chụp ảnh với Merlion. Tượng sư tử nổi tiếng của Singapore này từng được coi là "nơi nhất định phải tới" của khách đại lục. Woo, một nhân viên bán hàng lưu niệm ở đây, cho biết trước dịch khách Trung Quốc đến bằng các xe buýt. Nhưng hiện nay, số lượng chỉ lác đác mỗi ngày. "Chúng tôi cảm nhận rõ sự khác biệt. Trước dịch, có nhiều khách Trung nhưng hiện thay vào đó là khách Thái Lan, Australia", Woo nói.
Theo SCMP, khách Trung Quốc đi du lịch ít không phải vì họ không muốn bỏ tiền đi chơi. Ngược lại, họ sẵn sàng chi trả cho các chuyến đi, nhưng theo cách riêng và ngày càng tập trung vào những trải nghiệm mới, thay vì kiểu đại trà.
Uzaidi cho biết các công ty lữ hành nhận được rất nhiều câu hỏi từ khách du lịch Trung Quốc, những câu hỏi khác trước dịch. Một trong số đó liên quan đến đi bộ xuyên rừng, câu cá dưới biển sâu hay những điều họ chưa từng được trải nghiệm ở Trung Quốc. "Chúng tôi nhận được yêu cầu có thể sắp xếp cho khách bơi ở eo biển Malacca và biển Đông không vì họ chưa bao giờ có trải nghiệm này ở Trung Quốc", Uzaidi nói.
Colin Goh, nhà quản lý trải nghiệm du lịch tại Let's Go Tour Singapore, cho biết các công ty lữ hành cũng nhận thấy nhu cầu thay đổi từ khách Trung Quốc. "Họ muốn những thứ cụ thể và rất ý thức về những gì muốn làm. Họ không muốn mù quáng đi theo hướng dẫn viên nữa". Nhóm khách hàng mới này thường là các gia đình đi du lịch nhóm 5 người, thích tự quyết định hành trình hơn là chọn tour. Số lượng những vị khách như thế này, theo Colin, sẽ tăng dần theo thời gian.
Malaysia ước tính đón khoảng một triệu lượt khách từ Trung Quốc trong năm nay, dự kiến tổng chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc là khoảng 1,5 tỷ ringgit (341 triệu USD). "Chúng tôi chỉ hy vọng những làm trong ngành du lịch bắt kịp xu hướng mới và đáp ứng được nhu cầu của khách", ông nói
Anh Minh (Theo SCMP)