Theo các kết quả nghiên cứu và ý kiến từ CEO trong lĩnh vực dịch vụ, du khách trên thế giới đều ủng hộ các chuyến du lịch xanh. Nhưng họ không muốn trả thêm chi phí, nếu tự nguyện.
Tại Đức, nơi được coi là "cường quốc kinh tế của EU", 24% người được hỏi tin rằng tính bền vững trong du lịch là một tiêu chí quan trọng. Chỉ 5-10% sẵn sàng trả phụ phí để bảo vệ môi trường.
Charuta Fadnis, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại một công ty nghiên cứu du lịch Đức, nói vấn đề là mọi người cho rằng không nhất thiết phải trả nhiều tiền cho sự bền vững. Theo Reuters, điều này khiến ngành du lịch thế giới cần đặt câu hỏi làm sao để phát triển du lịch xanh khi phải đối mặt với tỷ suất lợi nhuận thấp và sự phục hồi sau dịch vẫn chưa hoàn toàn.
Thomas Fowler, Giám đốc Phát triển bền vững của hãng hàng không giá rẻ Ryanair, xác nhận rất ít người sẵn sàng trả thêm vài euro để tham gia chương trình "Bù đắp carbon". Bù đắp carbon là việc cân bằng lượng khí thải tạo ra thông qua tài trợ cho các dự án môi trường làm giảm khí nhà kính. Vì vậy nhiều hãng bay đã tham gia chương trình này. "Dưới 3% khách hàng của chúng tôi hưởng ứng", Fowler nói.
Hãng hàng không Đức Lufthansa vào tháng 2 bắt đầu cung cấp "giá vé xanh" (đắt hơn vé thông thường) trên một số chuyến bay. Động thái này để hỗ trợ công ty trong việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững cũng như đầu tư cho các dự án bảo vệ khí hậu. Dù vậy, chỉ 2% khách chọn mua.
Fadnis chỉ ra rằng thế hệ trẻ quan tâm đến vấn đề cam kết bền vững nhiều hơn lứa lớn tuổi. Hầu hết những vị khách trên 55 tuổi "không muốn tốn thêm tiền", dù giá chỉ tăng nhẹ so với các sản phẩm thông thường.
Nhưng nếu khách hàng không chịu bỏ tiền để đầu tư để bảo vệ môi trường, Fadnis nói rằng các chủ doanh nghiệp "nên sáng tạo" hơn. Ví dụ các khách sạn nên sử dụng các đồ tái sử dụng thay vì một lần, khuyến khích du khách thuê xe sử dụng công nghệ hydrid (thân thiện với môi trường).
Anh Minh (Theo Reuters)