Sống tại Đà Nẵng từ cuối năm 2019, Tobias Bremner, 28 tuổi, nhận thấy một số nét khác biệt trong cách phục vụ của quán ăn Việt với quê nhà. Lần đầu đến Việt Nam, Tobias gặp khó khăn khi gọi đồ ăn bởi nhân viên thường không chủ động hỏi khách mà anh phải tự tìm họ.
"Rất khó để người phục vụ chú ý đến mình, bạn phải cố gắng tìm đúng người và nói chuyện với họ thì mới có thể gọi món. Các quán ăn cũng thường không có đồng phục nên tôi khó nhận ra ai là nhân viên", Tobias nói. "Đôi lúc tôi đến quán ăn mà ngồi im, băn khoăn không biết làm sao để gọi món. Tôi từng bỏ bữa vì cảm thấy quá ngại khi phải liên tục tìm nhân viên phục vụ".
Theo anh, những nhà hàng ở Canada dù phục vụ người địa phương hay khách du lịch, thực khách chỉ cần nhìn về phía cửa thì nhân viên sẽ đến chào hỏi, hỏi họ muốn ăn gì.
Điều thứ hai Tobias thấy lạ là chủ quán ăn đường phố tại Việt Nam có thể ngủ ngay cả khi chưa dọn hàng. Đôi lúc anh phải gọi họ dậy để mua đồ ăn. "Giữa trưa, người phụ nữ bán bánh mì chợp mắt ngủ một chút được xem là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên ở Canada, một người ngủ khi đang làm việc được xem là thiếu chuyên nghiệp và khó chấp nhận được", du khách chia sẻ.
Qua thời gian sinh sống và du lịch khắp Việt Nam, Tobias dần dần làm quen với cách phục vụ của người địa phương và cho rằng mình đã bạo dạn hơn khi ghé hàng quán vỉa hè. Chàng trai Canada này còn đang học tiếng Việt để có thể trò chuyện và giao tiếp cơ bản trong cuộc sống hàng ngày.
"Một lần tôi đến hàng bún chả mà không thấy ai ở đó. Tôi biết thông thường nhà ở của người chủ sẽ nằm phía sau quán ăn. Tôi đi vào, tự tin gọi 'Chị ơi, chị ơi', và chủ quán ngay lập tức xuất hiện", Tobias kể.
Thi thoảng, khi thấy Tobias là người nước ngoài, nhân viên phục vụ hay chủ quán cũng chủ động trò chuyện để học thêm tiếng Anh. "Tôi rất vui khi được nói tiếng Việt và họ thì có thể cải thiện khả năng nói tiếng Anh. Ngôn ngữ giờ không còn là rào cản nữa và tôi đã tự tin hơn", anh bày tỏ.
Ngân Dương