Thứ tư, 8/1/2025
Thứ ba, 10/5/2016, 15:56 (GMT+7)

Khách Tây thất vọng vì Lý Sơn khác xa tưởng tượng

Với Jason, Lý Sơn là hòn đảo xinh đẹp với người dân thân thiện nhưng những bãi rác thải lớn nằm ngay ven biển khiến ông không khỏi tiếc nuối.

Jason, người Australia, sống ở Việt Nam 4 năm và đã đi du lịch nhiều nơi trong cả nước. Ông cho biết rất háo hức với chuyến đi Lý Sơn bởi được nghe rất nhiều người ca ngợi về vẻ đẹp hoang sơ tựa thiên đường ở nơi đây.

Ông khởi hành đi Lý Sơn ngày 29/4. Theo cảm nhận ban đầu của ông, Lý Sơn là một hòn đảo xinh đẹp với nhiều góc chụp ấn tượng.

Rời khỏi Hà Nội để đến Lý Sơn trong 4 ngày, Jason rất mong muốn có được những ngày nghỉ ngơi thư giãn, tận hưởng bãi biển trong xanh và không khí trong lành.

Tuy nhiên, ông cho biết những gì nhìn thấy khác khá xa so với tưởng tượng trước chuyến đi. Jason dành trọn 4 ngày để khám phá hòn đảo và càng đi, ông càng nhận thấy vấn đề lớn nhất ở đây là rác thải. Rác thải ở đây xả thẳng ra môi trường từ các khu dân cư và khu công nghiệp.

Theo ông, những góc mà du khách thường hay chọn để selfie thường khá sạch đẹp nhưng chỉ ngay kế đó hoặc xa hơn là khu bờ kè, khung cảnh lại hoàn toàn khác biệt. 

“Khi bắt gặp vỏ chai chất đống gần bờ biển, tôi quyết định bắt đầu chụp lại những gì đã nhìn thấy ”, Jason chia sẻ.

Theo quan sát của Jason, rác không chỉ được tập hợp thành bãi lớn ngay trên bãi biển mà còn bị đổ sát mép nước và khu vực bờ kè. Có đủ loại rác được xả ra, không đó rất ít là rác thải có thể tái chế.

“Khi tôi đến, rác đang được đốt ở giữa khu vực bờ kè nhưng chỉ một nửa trong số đó là cháy. Với kinh nghiệm của tôi, khói bốc lên từ đó rất độc”.

Jason cho biết ở Australia, trẻ em được dạy về tầm quan trọng của môi trường, đặc biệt là các dòng sông và đại dương. “Bởi thế khi nhìn những cảnh này tôi thật sự thấy buồn và tức giận. Tôi cũng dành thời gian nhặt rác trên bãi biển nhưng vấn đề là có quá nhiều. Nên chăng rác được thu gom lại và chở về đất liền”.

"Tôi rất yêu Việt Nam và con người ở đây nhưng vấn đề rác thải cần phải được giải quyết, không chỉ riêng ở Lý Sơn. Tôi không biết phải làm cách nào nhưng tôi biết chắc chắn rằng chúng ta phải bắt đầu từ việc giáo dục về hậu quả của ô nhiễm môi trường. Đại dương không phải của riêng ai và chúng ta phải chung tay bảo vệ nó”, ông nói.

Vy An

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net