Đoàn 18 du khách Pháp nhập cảnh vào Việt Nam hôm 8/3. Đến nay, cả đoàn đều khoẻ mạnh, không ai có biểu hiện ho, sốt.
"Đoàn rời khách sạn ở Pleiku, Gia Lai để đến Kon Tum theo chương trình. Nhưng vừa di chuyển khoảng 5 phút thì hướng dẫn viên nhận được điện thoại từ cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum thông báo ‘không được đi tiếp’. Nếu đến Kon Tum, cả đoàn có thể bị cách ly, không được ở khách sạn", đại diện công ty Images Travel có trụ sở ở TP HCM, đơn vị chuyên đón khách nước ngoài vào Việt Nam, kể về sự cố sáng 16/3.
Nhận thông báo từ chính quyền địa phương, hướng dẫn viên buộc phải đưa khách quay trở lại khách sạn Đam San ở Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk, nơi khách lưu trú tối 14/3 để nghỉ đêm. Ban đầu khách sạn không nhận nhưng đơn vị lữ hành đã thuyết phục. Từ Gia Lai, đoàn đi hơn 160 km để quay lại Đăk Lăk, buộc phải hủy các chặng tiếp theo.
"Bây giờ cứ tỉnh nào cấm là phải đi tìm chỗ ngủ ở tỉnh bên cạnh. Nếu không nơi nào chấp nhận, chúng tôi phải quay về TP HCM. Chúng tôi có thể tạm thời cho đoàn tiếp tục tham quan một số điểm chưa đóng cửa, trong khi chờ đối tác Pháp đổi được vé về sớm cho khách", đại diện công ty nói.
Ông cho biết thêm, đây không phải là trường hợp đầu tiên khách của công ty bị từ chối chỗ ở. Cách đây vài ngày, một đoàn khách Pháp khác đã phải đổi lịch trình, về TP HCM ngủ vì các khách sạn ở Châu Đốc (An Giang) không cho nhận phòng.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Kon Tum cho biết, không có văn bản nào về việc ngừng đón khách. Hiệp hội cũng chưa nắm được sự việc xảy ra với đoàn du khách Pháp trên. Tuy nhiên, trên quan điểm thực hiện đúng chỉ đạo về phòng chống nCoV, các đoàn khách đến Kon Tum sẽ phải thực hiện khai báo y tế. Nếu đảm bảo sức khỏe theo quy định, khách vẫn lưu trú và tham quan bình thường.
Trước đó, mạng xã hội bức xúc vì một du khách châu Âu đến 6 khách sạn tại Ninh Bình nhưng đều bị từ chối. Người này sau đó đã tìm được khách sạn khi cơ quan chức năng địa phương vào cuộc.
"Chúng tôi mới đến Hà Nội từ Áo hai ngày trước, và thực sự không chắc có nên ở lại Việt Nam hay không. Chúng tôi muốn đến Ninh Bình hôm nay nhưng hầu hết xe buýt không chấp nhận người nước ngoài và tất cả các địa điểm du lịch đều đóng cửa. Vì vậy, không biết chúng tôi có nên đi đến một số bãi biển và cố gắng thư giãn một chút ở đó, nếu chủ nhà hàng, khách sạn cho vào. Hoặc chúng tôi có thể đi đến một quốc gia châu Á khác, nơi quy định ít nghiêm ngặt hơn. Thực sự chúng tôi không muốn trở về quê nhà Áo vì mọi thứ ở đó đang rất hỗn loạn. Xin hãy cho lời khuyên", Anna Marlena viết trên diễn đàn về du lịch Việt Nam cuối ngày 15/3.
Dưới bài viết của Marlena, nhiều người chia sẻ với khó khăn của cô và mong cô có thể đến một số nơi an toàn, còn nhận khách ở Việt Nam, chẳng hạn như TP HCM.
Về phản ứng không nhận khách, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch, chia sẻ: "Tôi không quy kết những khách sạn từ chối du khách Tây là kỳ thị. Họ lo, họ có quyền lo. Họ có cơ sở để lo. Quan trọng hơn là giải quyết thế nào cho hợp tình, hợp lý. Không kỳ thị du khách Tây đang ở nước ta, mà phục vụ họ một cách an toàn, có tổ chức".
Theo ông Nam, các địa phương nên quy hoạch ngay một số khách sạn, hỗ trợ du khách các biện pháp phòng dịch tăng cường, thỏa thuận với họ về giá dịch vụ và thông báo rộng rãi trong hệ thống thông tin du lịch để hướng dẫn du khách tìm khách sạn. Những khách sạn đang phục vụ khách Tây thì tiếp tục hoạt động bình thường, nhưng cần giữ liên hệ chặt chẽ với cơ quan kiểm soát dịch bệnh địa phương để được hướng dẫn và hỗ trợ khi cần.
Nguyễn Nam