Đầu tháng 3, Yrielle, nữ du khách Pháp, đến Hà Giang và thích thú dạo chơi ở phố cổ Đồng Văn. Cô nói rằng trong mắt cộng đồng xê dịch, Hà Giang là một điểm đến "rất phổ biến", nằm trong danh sách "must-do" (nhất định phải đến) khi khám phá Việt Nam.
"Tôi đã tìm kiếm nhiều thông tin về Hà Giang trên internet. Theo lời khuyên, tôi chọn xe máy là phương tiện đi lại vì thích hợp nhất để khám phá. Chúng tôi đã tập lái xe 3 tháng trước chuyến đi này. Cung đường hiểm trở, nhưng nếu đi tốc độ chậm vẫn an toàn", cô cho hay.
Anh Francais, du khách Pháp, cũng di chuyển ở Hà Giang bằng xe máy. Băng qua những địa hình khác nhau, ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên đa dạng và cuộc sống của vùng núi, anh nhận thấy Hà Giang yên bình khác hẳn những nơi từng qua như Hà Nội, TP HCM, Sa Pa. "Chúng tôi gặp một ít khó khăn trong việc giao tiếp tiếng Anh với người địa phương. Còn thì mọi thứ đều tuyệt vời", anh nói.
Hà Giang là tỉnh cực Bắc, giàu tài nguyên về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử và văn hóa để phát triển du lịch trong cả năm. Các điểm đến nổi bật thu hút khách tại Hà Giang có thể kể đến là Núi Đôi - Quản Bạ, di tích nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, cụm cảnh quan Mã Pì Lèng, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, vườn quốc gia Du Già. Tháng 1, Hà Giang xếp thứ 25 trong danh sách 52 điểm đến tuyệt vời cho du khách toàn cầu khám phá năm 2023, theo New York Times.
Với mong muốn tìm hiểu văn hóa bản địa, Liana, người Đức, đã chọn Hà Giang là điểm dừng chân trong hành trình tự túc đến một số nước châu Á. Cô thích những nơi vắng vẻ và không bị du lịch hóa. Cô đã đi dọc Việt Nam từ Mũi Né, Hội An, Huế, Ninh Bình trước khi đến Hà Giang. Vốn không thể tự lái xe, Liana cũng không chọn tour. Tại mỗi điểm đến, cô tìm lái xe địa phương, chủ yếu đi lại bằng xe máy.
Với Liana, du lịch chỉ thật sự có ý nghĩa khi du khách cảm nhận được bức tranh chân thực nhất về vùng đất và điều này cô đã tìm được ở Hà Giang. Cô muốn đến những nơi làm du lịch mà không biến đổi bản sắc văn hóa, đời sống của người dân. Tại Hà Giang, Liana đã đến bản làng Lô Lô Chải dưới chân cột cờ Lũng Cú, sau đó là phố cổ Đồng Văn, thị trấn Mèo Vạc.
"Tôi thích những bản làng cổ, hoang sơ, nơi cuộc sống bản địa thể hiện rõ nét. Trong khi đó, tại những thị trấn, tôi lại dễ dàng tìm chỗ ăn uống, các dịch vụ cũng thuận tiện", Liana nói thêm. Bên cạnh đó, cô gái Đức cũng đánh giá Việt Nam là một điểm đến an toàn cho phụ nữ du lịch tự túc một mình như cô.
Bà Louise, người Canada, cùng chồng đã có hành trình hơn 20 km đi bộ từ Đồng Văn sang Mèo Vạc. Cách đi "không giống ai" này giúp vợ chồng bà thêm thời gian đắm chìm trong vẻ đẹp của đèo Mã Pì Lèng, vách đá trắng, sông Nho Quế và ngắm nhìn cảnh lao động của người bản địa.
"Đi bộ tận hưởng Hà Giang là một trải nghiệm không thể quên đối với chúng tôi. Không thuê xe máy, chúng tôi gặp một ít khó khăn trong việc di chuyển nhưng Hà Giang trong mắt tôi rất tuyệt. Nếu quay trở lại, chúng tôi sẽ tập lái xe máy", bà Louise nói thêm.
Nằm ở Lao Xa, một bản làng xa xôi thuộc xã Sủng Là, Đồng Văn, homestay của anh Vàng Mí Hồng (người Mông) thường xuyên có khách Tây đến nghỉ lại, đặc biệt vào mùa cao điểm.
Anh Hồng cho hay khách quốc tế có xu hướng tìm đến những giá trị bản địa của một vùng đất, cảm nhận lối sống của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở đây. "Chỗ ở mang đến cho khách những thông tin chính xác và không gian chân thực nhất về văn hóa của người Mông sẽ giúp ích cho họ rất nhiều", anh Hồng nói.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, tháng 1 tổng lượt khách đến Hà Giang đạt 216.000 lượt người (trong đó có 14.070 lượt khách quốc tế, tăng 1,91 lần so với trước dịch), tổng doanh thu du lịch đạt 507,6 tỷ đồng. Tháng 2, lượng khách tiếp tục tăng, với hơn 242.000 lượt (trong đó có khoảng 15.400 khách quốc tế, tăng 3,36 lần trước dịch), tổng doanh thu du lịch đạt 569 tỷ đồng.
Nói về nguyên nhân lượng khách Tây tăng so với trước dịch, ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang, nhận định khi các nước châu Âu, Mỹ bắt đầu nới lỏng cho người dân xuất ngoại và họ có nhu cầu chọn một điểm đến an toàn, thân thiện. Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng luôn là nơi đáng tin cậy với khách nước ngoài về các mặt an ninh, con người.
"Hà Giang vốn sở hữu cung đường hợp với sở thích 'phượt' xe máy của phần đông khách Tây. So với trước dịch, tỉnh đã quảng bá điểm đến, đưa hình ảnh Hà Giang lên các kênh, các đơn vị truyền thông lớn của cả nước", ông Tĩnh nói. Du khách, không riêng gì khách quốc tế, được liên tục tiếp cận thông tin. Trong thời gian tới, tỉnh cũng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa để thu hút nhiều khách quốc tế đến ở dài ngày ở Hà Giang.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, cho hay năm 2023, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm phù hợp khách quốc tế, xúc tiến các hoạt động liên kết phát triển du lịch trong và ngoài nước. Tại các điểm đến, địa phương đã dán QR Code để khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, tra cứu thông tin hành trình dễ dàng.
"Đã có những tín hiệu mừng với du lịch Hà Giang sau dịch Covid-19. Điều này chứng tỏ nhiều sản phẩm du lịch phù hợp thị hiếu đã giúp tỉnh trở thành một trong những điểm thu hút khách Tây hàng đầu tại Việt Nam", ông Hải nói.
Xuân Phương