Shiokawa Minoru, chàng kỹ sư Nhật đến Việt Nam làm nông dân, đang sống tại Buôn Mê Thuột và có văn phòng công ty tại TP HCM, rất thích thú với hình ảnh mọi người tất bật chuẩn bị đón Tết, quây quần gói bánh chưng bánh tét. Cảnh ngồi bên bếp lửa canh nồi bánh khiến cho anh có cảm giác thật ấm cúng. Anh cũng đặc biệt ấn tượng với thói quen đến nhà nhau ăn tất niên và đầu năm đi chúc Tết của người Việt.
Shio thích nhấm nháp mứt gừng, uống trà gừng nóng ấm giữa cái se lạnh của Tây Nguyên. Năm đầu tiên đến Việt Nam, Shio mất khá nhiều thời gian để học cách cắn hạt dưa và tỏ ra thích thú với món ăn này. Trong 8 năm ăn Tết Việt, Shio nhớ nhất là chuyến tham quan ngược ra Bắc, ngắm hoa đào, đi lễ hội chùa Hương, dự các lễ hội trò chơi và cảm nhận sự khác nhau trong cách ăn Tết của các vùng miền. Với anh, thời tiết ở Việt Nam vào mùa xuân cũng rất tuyệt vời, dễ chịu.
Trước đây, người Nhật cũng đón Tết theo lịch mặt trăng nhưng gần đây, đã chuyển sang đón Tết theo dương lịch như người phương Tây. Được trải qua cái Tết Nguyên đán tại Việt Nam khiến Shio cảm thấy mình may mắn, như trở về tuổi thơ, được trải nghiệm lại một không gian văn hóa mang đậm màu sắc huyền bí nhưng cũng rất rộn ràng của phương Đông.
Kelly Padgett (35 tuổi) là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà sản xuất và đạo diễn các chương trình truyền hình. Anh sống tại Việt Nam đã được 2 năm, cảm thấy yêu con người và cảnh vật nơi đây. Đặc biệt, Kelly Padgett cũng cảm thấy mình có một chút gắn bó với Việt Nam khi mẹ kế của anh là một người Việt. Padgett đã đón hai Tết tại Việt Nam là Nhâm Thìn và Giáp Ngọ nên rất thích không khí ngày Tết.
Cái Tết đầu tiên, anh đón Tết cùng bạn bè tại Đà Lạt, sau đó đi xe máy từ Đà Lạt xuống Phan Thiết để ghi lại những khoảnh khắc Tết trên các nẻo đường. Tết năm nay, Padgett ở lại Sài Gòn, đón Tết trong phòng trọ anh thuê dài hạn trên đường Bùi Viện, quận 1. Padgett không lo tích trữ thức ăn như mọi người xung quanh vì quán ăn nơi anh ở lúc nào cũng hoạt động, anh cũng không mua hoa về trưng trong phòng vì dị ứng với hoa. Tuy nhiên, anh đã chuẩn bị sẵn champagne để cùng bạn bè đón mừng năm mới. Trong dịp này, Padgett cũng được thưởng thức một số món ăn truyền thống ngày Tết của người Việt như bánh chưng. Anh đặc biệt thích món chả nem.
Padgett thích ngắm không khí Tết ngoài đường, đâu đâu cũng thấy hoa, những ngôi nhà và phố phường được trang hoàng rực rỡ với cờ hoa và đèn màu. Đêm giao thừa, anh cùng bạn bè đi chùa tại khu vực Chợ Lớn. “Cái Tết tại Việt Nam đem đến cho tôi một cảm giác rất khác biệt, thú vị", Padgett chia sẻ. Tuy nhiên, anh cảm thấy rất sợ khi tham gia giao thông trước Tết. Đường phố quá đông, ai cũng bận sắm sửa cho ngày Tết. Anh cũng bị va quệt, cánh tay đến giờ vẫn còn hai vết trầy xước.
Là một cựu binh Mỹ, từng tham chiến ở Việt Nam từ năm 1968, giáo sư James Rhodes, chủ tịch công ty Vietnam Combat Veterans LTD, một giảng viên rất quen thuộc với các sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lại đón Tết Việt Nam theo một cách rất riêng. Ông đã nhiều lần đến Việt Nam để tìm cách hỗ trợ các cựu chiến binh Việt Nam và đã đón hai cái Tết năm 1996 và 2001. Tết đầu tiên, ông đến vùng nông thôn ở Ninh Bình để thăm các nghĩa trang, các di tích lịch sử. Tết lần thứ hai, ông ở lại Hà Nội. Ngoài thời gian gặp gỡ những đồng nghiệp ở Việt Nam, ông dành hai cái Tết để truy cập vào các trang web tìm mộ anh hùng, liệt sĩ Việt Nam. Ông cũng dành thời gian để cầu nguyện cho sự siêu thoát của linh hồn của các liệt sĩ ở thế giới bên kia và đặc biệt là cho những anh hùng đã hy sinh vì bom B52 hoặc bom napalm.
Trong dịp Tết, những người bạn Việt Nam thường ghé thăm ông, khiến ông rất vui và hạnh phúc. Ông đặc biệt ấn tượng khi trong những ngày Tết, người Việt Nam thường mở toang cửa sổ và cửa chính để đón khách, bất kể thời tiết như thế nào. Ở Mỹ thì không như vậy, nếu thời tiết quá khắc nghiệt, người ta thường đóng cửa để bật máy lạnh hoặc máy sưởi. Người Việt luôn mở cửa để đón khách còn người Mỹ thì chỉ mở cửa nếu nhìn thấy khách đến hoặc nghe thấy tiếng gõ cửa. "Người Việt rất thân thiện và hiếu khách", ông nhận xét.
Ông cũng rất ngạc nhiên trước phong tục mừng tuổi ở Việt Nam, bởi đây là đặc sản của phương Đông, ở Mỹ không hề có, và càng ngạc nhiên khi các cửa hàng đóng cửa trong ngày năm mới. Điều này rất khác với các nước phương Tây. Ở Mỹ, người ta vẫn thuê người bán hàng trong dịp năm mới và đạt doanh thu rất cao trong dịp này. Ông cảm thấy ngỡ ngàng khi đường phố thủ đô dường như rất vắng vẻ trong dịp Tết.
Lê Phương - Kim Anh - Quỳnh Trang