Thừa nhận ngành du lịch phục hồi khác với kỳ vọng nhưng đầu tháng này, The Grand Ho Tram Strip - một "ông lớn" resort tại Bà Rịa - Vũng Tàu tung ra 164 căn hộ và 46 biệt thự nằm trong khu nghỉ dưỡng mới, bổ sung cho 1.100 phòng đã có trước đó chuyên phục vụ khách cao cấp.
Giải thích lý do, ông Akshay Moza, Phó chủ tịch Khối Thương mại The Grand Ho Tram Strip, đơn vị vừa đưa vào hoạt động Ixora Ho Tram by Fusion, nói rằng muốn tận dụng cơ hội vì thị trường khách nội địa đang phát triển tốt sau Covid.
Trước dịch, khách quốc tế đến khu phức hợp nghỉ dưỡng này chiếm ưu thế, chủ yếu là người Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, trong khi đó, du khách Việt Nam chỉ giới hạn ở mức 7-8%. Nhưng từ khi Covid-19 ập đến, các gia đình trong nước đến nghỉ dưỡng chiếm đến 80%. Cho đến nay, sau khi nhiều đường bay phục hồi, khách quốc tế đã chiếm hơn nửa, còn lại là khách nội.
Một đơn vị vận hành một khách sạn hơn 1.000 phòng ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) cũng cho biết, 3 tháng qua, công suất trung bình gần 90%. Trong đó, khoảng 85% số này là khách nội địa, gấp 2 lần so với giai đoạn cao điểm trước dịch.
Tại Phú Yên, không chia sẻ con số cụ thể nhưng ông Michael Wirz, Tổng giám đốc Zannier Hotels Bãi San Hô, cho biết, trong lúc khách quốc tế vẫn đang trên đường hồi phục về mức năm 2019 nhưng còn trắc trở thì khách nội địa đóng góp chính vào lượt khách của khu nghỉ dưỡng.
Chuỗi khách sạn kiểu mới Wink Hotels - sở hữu một khách sạn ở TP HCM và 2 ở Đà Nẵng ghi nhận công suất phòng đạt trung bình 55% trong nửa đầu 2023, tăng trưởng 26% so với 6 tháng cuối năm 2022. Theo Nguyễn Hoàng Như Thảo, Quản lý Tiếp thị Vùng chuỗi khách sạn Wink Hotels, tỷ trọng khách quốc tế và nội địa tại hệ thống này đang gần ngang ngửa.
Sau khi bình thường hóa, ngành khách sạn kỳ vọng lớn vào động lực khác quốc tế. Tuy nhiên, lạm phát các nước giàu tăng, nhiều đường bay chưa nối lại và thị trường chính như Trung Quốc chậm hơn dự kiến khiến niềm hy vọng được đặt vào nhu cầu du lịch của người Việt.
"Trong khi chờ đợi những chuyển biến từ thị trường quốc tế, chúng tôi vẫn tin rằng thị trường khách nội địa sẽ tiếp tục đóng vai trò chính yếu, là một phần không thể thiếu trong bức tranh phát triển chung", ông Michael Wirz đánh giá.
Các dữ liệu thống kê và khảo sát cho thấy lượng khách nội địa tích cực, bất chấp nền kinh tế có phần giảm tốc. Theo Tổng cục Du lịch, khách trong nước lưu trú qua đêm 7 tháng đầu năm đạt 46,7 triệu lượt, vượt kết quả cả năm 2019 - năm trước dịch - với 43,5 triệu lượt.
Người Việt đi nghỉ khách sạn nhiều và cũng sẵn sàng chi tiêu hơn. Khảo sát "Xu hướng Du lịch Gia đình 2022" của Agoda, cho biết trong khi khách sạn bình dân là lựa chọn hàng đầu của đa số các gia đình trong khu vực thì du khách Việt lại nằm ngoài xu hướng này. Nền tảng du lịch trực tuyến này kết luận, sự khác biệt là khách Việt thích các khu nghỉ dưỡng trọn gói hơn.
"Điều này cho thấy xu hướng độc đáo của du khách Việt Nam là tìm kiếm những trải nghiệm toàn diện, ưu tiên sự tiện lợi và tiện nghi được cung cấp bởi các khu nghỉ dưỡng trọn gói", báo cáo của Agoda nhận định.
Không chỉ khách gia đình, riêng các khách hàng trẻ (thế hệ Millennial và Gen Z) được Klook khảo sát mới đây còn cho biết một trong ba du khách Việt Nam được hỏi sẵn lòng chi tiêu hơn 2.000 USD cho kỳ nghỉ tiếp theo, gấp đôi so với thu nhập trung bình hàng tháng. Trong đó, hơn một nửa chỉ chọn chỉ du lịch nội địa.
Theo nền tảng dữ liệu trực tuyến Statista (Đức), doanh thu thị trường khách sạn Việt Nam dự báo sẽ đạt một tỷ USD năm nay. Nửa đầu 2023, ở Hà Nội, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt hơn 57%, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có thế mạnh du lịch ghi nhận doanh thu dịch vụ lưu trú 7 tháng tăng trên 70% như Đà Nẵng (70%), Bà Rịa - Vũng Tàu (76%), Bình Thuận (76,5%).
Tuy nhiên, theo giới kinh doanh khách sạn, đặc điểm của thị trường khách nội địa là khách biệt giữa mùa cao điểm và thấp điểm rõ nét. Giai đoạn trước dịch, khách quốc tế chính là nguồn để duy trì công suất phòng trong giai đoạn thấp điểm của khách trong nước. Nhưng 7 tháng qua, lượng khách quốc tế đến chỉ mới bằng 67% so với trước dịch (6,6 triệu lượt so với 9,8 triệu lượt).
Gần đây, vài tín hiệu mới bắt đầu thắp lên hy vọng khách ngoại sớm tham gia "giải cứu" khách sạn. Tháng trước, lần đầu tiên sau hơn ba năm, Việt Nam đón hơn một triệu lượt khách trong một tháng. Tốc độ du khách Trung Quốc quay lại Việt Nam cao nhất, vượt Thái Lan.
Theo HSBC, thay đổi gần đây trong chính sách nới lỏng thị thực triển khai từ giữa tháng 8, triển vọng du lịch Việt Nam tiếp tục khả quan. Ông Walt Power, Tổng giám đốc của The Grand Ho Tram Strip cho rằng chính ngành du lịch vẫn chưa hoàn toàn phục hồi nên vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
"Trước đây thị trường Ấn Độ chưa được kỳ vọng là lực đẩy của ngành. Tuy nhiên có thể đây sẽ là một thị trường đầy hứa hẹn trong nhiều năm tới, và chúng ta có thể hưởng lợi từ xu hướng này", ông nêu ví dụ.
Ông Morgan Ulaganathan, Giám đốc Dịch vụ Tài sản & Tư vấn Du lịch - Khách sạn Colliers Việt Nam, nói nhu cầu lưu trú ngắn hạn sẽ tiếp tục tăng theo làn sóng khách du lịch, doanh nhân hay chuyên gia nước ngoài. "Chúng tôi dự báo phân khúc này sẽ tăng trưởng tốt, nhất là khi Việt Nam đã thông qua chính sách thị thực thông thoáng hơn, góp phần thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế", ông nói.
Statista dự báo doanh thu ngành khách sạn Việt Nam sẽ tăng trưởng gần 7,4% mỗi năm, đạt quy mô 2 tỷ USD vào 2027. Thời điểm đó, số lượng khách có thể đạt 12,3 triệu. Để tối đa hóa cơ hội đón khách nội địa lẫn quốc tế, ông Walt Power cho rằng phải chú trọng sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền và khối tư nhân.
Trong khi phía doanh nghiệp chịu trách nhiệm về việc cho ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì nhà quản lý cần tạo thuận lợi về chính sách visa, nâng cấp cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay.
Anh Kỳ