Ngay sau đó, một tiếng khóc ré lên phá tan sự tĩnh lặng. Cậu con trai mới sinh của Luo thức giấc. Một vú em nhanh chóng tiến đến và giúp người mẹ 32 tuổi ngồi ở tư thế thoải mái nhất để cho con bú. Sau 20 phút, bảo mẫu đưa bé trai đi ợ hơi. Luo quay lại buổi trà chiều dang dở.
Luo đang ở trong một khách sạn thai sản - một loại hình dịch vụ đang trở nên phổ biến tại Trung Quốc, nơi cung cấp những dịch vụ sang trọng dành cho những bà mẹ mới sinh.
Sau khi sinh nở, các bà mẹ ở Trung Quốc thường trải qua một tháng ở cữ, kiêng kị nhiều thứ, đặc biệt là thời tiết lạnh hay hoạt động quá sức. Người ta tin rằng điều này sẽ giúp thai phụ sớm hồi phục sức khỏe.
Tuy mỗi vùng có một phong tục khác nhau, truyền thống này vẫn duy trì trong nhiều gia đình Trung Quốc. Các sản phụ bị cấm ra khỏi nhà, cấm uống nước lạnh, tắm nước chưa đun sôi. Tại một số nơi, họ không được xem TV, không được dùng smartphone, máy sấy tóc để tránh bức xạ.
Kiêng cữ chính là giai đoạn đỉnh điểm căng thẳng giữa các bà mẹ trẻ và họ hàng. Nhiều cặp vợ chồng trẻ tỏ ra khó chịu vì kiêng cữ quá mức cũng như những lời khuyên lạc lạc hậu từ người lớn. Đây là lý do vì sao ngày càng nhiều người chọn ở cữ tại khách sạn thai sản, nơi họ tận hưởng hàng loạt dịch vụ sau sinh và tạm xa gia đình vài tuần.
Những khách sạn dành cho bà bầu xuất hiện đầu tiên tại Bắc Kinh và Thượng Hải, nhằm vào giới siêu giàu, chi phí khoảng 15.000 tệ (51,5 triệu đồng) mỗi ngày. Dù vây, mô hình dần nhân rộng và rẻ hơn trước.
Luo đăng ký ở khách sạn gần nhà với giá 40.000 tệ (137 triệu đồng) cho 26 ngày và cho biết nó "đáng giá từng đồng". Ở nhà, cô sẽ thường xuyên phải nghe những lời khuyên như đội mũ, đi tất còn ở đây cô chỉ cần cho con bú 6 bữa một ngày và ngủ. Cô cũng dùng điện thoại bao lâu tùy thích.
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu Intelligence Research, giá trị thị trường khách sạn thai sản tăng 10 lần từ năm 2013 đến 2019, từ 1,7 nghìn tỷ tệ lên 17,9 nghìn tỷ tệ. Năm 2030, dịch vụ này có thể vượt mốc 30 nghìn tỷ tệ.
Giới quan sát đặc biệt lạc quan về tiềm năng mở rộng tại các thành phố nhỏ hơn. Meng Qiuping, một cố vấn đầu tư tại chuỗi khách sạn cho bà bầu với hơn 600 địa điểm khắp cả nước, nói rằng 90% khách sạn mới mà công ty mở ra trong vài năm qua tập trung vào thành phố thấp cấp.
Hai lợi thế khi mở tại thành phố nhỏ là chi phí thấp hơn và quy mô thị trường. Có hơn 40.000 thị trấn tại Trung Quốc với dân số hơn 500 triệu người. Ngoài ra, các cặp vợ chồng ở đây có xu hướng sinh nhiều con hơn so với thành phố cấp một. Chẳng hạn, tại Thượng Hải, chỉ 24% trẻ sơ sinh là con thứ, nhưng tỷ lệ này trên toàn quốc là hơn 55%.
Dù mới ở giai đoạn đầu, các gia đình đã quen thuộc với mô hình khách sạn thai sản nhờ ảnh hưởng của mạng xã hội và người nổi tiếng. Khách sạn quảng cáo mang đến cách tiếp cận "khoa học hơn" việc kiêng cữ, giúp thu hút các cặp vợ chồng trẻ.
Trung tâm chăm sóc sau sinh Tương Sơn nằm ở huyện ven biển Tương Sơn, Chiết Giang là một ví dụ. Cơ sở khai trương năm 2018, liên kết với một bệnh viện phụ sản địa phương, có 80 nhân viên hỗ trợ, bao gồm bác sĩ nhi khoa, y tá, bảo mẫu, cố vấn tâm lý và huấn luyện viên yoga.
Quản lý trung tâm cho biết, phụ nữ đang theo đuổi lối sống hiện đại hơn để vừa chăm sóc em bé, vừa phục hồi hoàn toàn trong tháng đầu sau sinh. Trung tâm cũng để ý đến chế độ ăn kiêng cho các vị khách. Theo truyền thống, các bà mẹ mới sinh nên ăn nhiều súp giàu chất béo khi kiêng cữ để có nhiều sữa cho con. Dù vậy, trung tâm của Wu thiết kế thực đơn theo 4 bước, tham khảo ý kiến chuyên gia theo từng tuần.
Xen kẽ giữa các bữa ăn là hoạt động cho mẹ và bé như giãn cơ, bơi, mát xa. Chúng nhằm hỗ trợ phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sơ sinh, giúp hai mẹ con có liên kết gần gũi hơn. Trung tâm sẽ hướng dẫn bà mẹ trẻ giao tiếp và thể hiện cảm xúc với em bé.
Nếu ở một thập kỷ trước, khách sạn như vậy sẽ khó hấp dẫn khách hàng tại những nơi như Tương Sơn. Phong trào nữ quyền đã thay đổi sâu sắc nhiều quan điểm xã hội trong các năm qua. Chẳng hạn, đi tiểu không tự chủ sau sinh từng bị xem là đáng xấu hổ, rất ít bà mẹ tìm hỗ trợ y tế. Ngày nay, các ngôi sao nữ thường lên tiếng về cơn đau sau khi sinh. Ngày càng ít phụ nữ cảm thấy cần phải là một "bà mẹ biết hy sinh bản thân".
Theo Wu, phụ nữ nhận ra họ cần đối xử với bản thân tốt hơn. Đó là lý do số lượng khách hàng đăng ký tiếp tục tăng lên bất chấp tỷ lệ sinh tại Trung Quốc liên tục giảm.
Wu Jina, 41 tuổi đến từ Tương Sơn, đăng ký ở tại trung tâm 28 ngày sau khi sinh đứa con thứ hai. Ở tuổi của mình, Wu nhận thấy không có đủ sức để tự chăm sóc con. Gia đình cô cũng ủng hộ quyết định này. Cô gọi đây là nơi trú ẩn tạm thời cho các gia đình, giúp họ có thêm thời gian chấp nhận sự thay đổi lớn khi sinh con.
Ma Lin, y tá 50 tuổi, dự định mở một khách sạn sản phụ tại quê nhà Quan Vân, quận có dân số 800.000. Bà xem nó như một cách để hỗ trợ những bà mẹ mới sinh. "Tôi biết phụ nữ sau sinh mong manh và giàu cảm xúc như thế nào. Nhiều người nghĩ chỉ đau khi sinh con, nhưng không phải vậy. Khi đối mặt với một đứa bé đang khóc đòi thay tã và ăn mỗi hai, ba giờ là khởi đầu của một thách thức mới".
Trong hai thập kỷ làm y tá, bà chứng kiến nhiều vụ cãi nhau giữa sản phụ và họ hàng khi kiêng cữ. Tại nông thôn, gia đình vẫn giữ quan điểm truyền thống về chăm con. Có một lần, bà trông thấy người mẹ khóc hàng giờ liền sau khi bố mẹ chồng khăng khăng trói hai chân của con gái mới sinh bằng dây vì tin rằng sau này chân sẽ thẳng. Cô gái quá yếu đuối để chống lại cả gia đình. Ngay cả khi bà Ma đứng lên bảo vệ, những họ hàng lớn tuổi vẫn muốn làm theo phong tục.
Bà hi vọng khách sạn của mình có thể che chở phụ nữ trước những gia đình gia trưởng đó. Nếu trở thành bà nội, bà sẽ chi tiền cho con dâu ở trong khách sạn thai sản, bất kể chi phí ra sao.
"Tôi muốn con dâu của mình có kỳ ở cữ hạnh phúc nhất", bà chia sẻ.
Huy Phương (Theo Sixthtone)