Báo cáo triển vọng đầu tư khách sạn của JLL Hotels & Hospitality Group cho biết, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch (kiểm soát biên giới) và rào cản chênh lệch giá mua - bán tài sản khá lớn, năm 2021, dòng tiền đầu tư bất động sản lưu trú vẫn tăng mạnh.
Năm qua, tổng lượng giao dịch bất động sản khách sạn tại châu Á Thái Bình Dương đạt 8,5 tỷ USD, chiếm 13% tổng giao dịch khách sạn toàn cầu. Lượng giao dịch tài sản phân khúc này tăng 39% so với năm 2020, nhưng doanh số bán hàng vẫn thấp hơn 40% so với các mức trước đại dịch Covid-19 bùng phát (năm 2019).
Theo khảo sát của đơn vị này, những nhà đầu tư tham gia thị trường bất động sản lưu trú, nghỉ dưỡng có xu hướng săn lùng khách sạn cao cấp kèm dịch vụ giải trí, có giá trị giao dịch ở mức hơn 1 triệu USD, khai thác vận hành ổn định. Nhu cầu đầu tư vào phân khúc khách sạn này chiếm 85% tổng lượng giao dịch trong khu vực.
Ông Nihat Ercan, Giám đốc điều hành cấp cao khu vực châu Á Thái Bình Dương JLL Hotels & Hospitality Group đánh giá, hoạt động giao dịch khách sạn trong năm 2021 diễn ra mạnh mẽ. Các khách mua đang tính đến việc đầu tư dài hạn hơn khi xem xét các tài sản khách sạn ở thị trường này. Khi du lịch quốc tế trở nên dễ tiếp cận hơn, các nhà đầu tư sẽ có thể khai thác nguồn tài nguyên lớn và triển khai chiến lược ở lĩnh vực khách sạn trên nhiều thị trường khác nhau.
Ông Nihat Ercan dẫn chứng, Maldives đã chứng kiến sự hồi sinh về lượng du khách vào năm 2021, lượng khách quốc tế tăng 152% so với năm 2020. Cụ thể, doanh thu trên số phòng hiện có của các khách sạn cao cấp và sang trọng (RevPAR) của Maldives năm 2021 cao hơn 24% so với mức của năm 2019. Sự phục hồi của Maldives là nhờ thu hút thành công nhu cầu du lịch mạnh mẽ từ Tây Âu, Nga và một số quốc gia Trung Đông, chuyển trọng tâm từ các thị trường hàng đầu trước đây là Trung Quốc.
Cả ba giao dịch khu nghỉ dưỡng trong năm qua đều được bán cho các nhà đầu tư xuyên biên giới với nguồn vốn từ Italy, Singapore và Trung Đông. Diễn biến này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của giới đầu tư nước ngoài vào thị trường khách sạn châu Á Thái Bình Dương.
Tổng lượng giao dịch tài sản khách sạn toàn cầu đạt 66,8 tỷ USD vào năm 2021, tăng 131% so với năm 2020. Với sự phục hồi không đồng đều trong nhu cầu về các loại tài sản, các nhà đầu tư tập trung vào việc mua lại các khu nghỉ dưỡng hoặc tài sản cao cấp. Tài sản ở các vị trí đô thị vẫn có tính thanh khoản cao nhất, nhưng mức độ hoạt động trong năm 2021 đã giảm 22% so với năm 2019. Tuy nhiên, hoạt động bán hàng trên toàn bộ các tài sản tại các khu nghỉ dưỡng đã tăng 17% so với năm 2019.
Năm qua, các dòng vốn tư nhân tăng khoản đầu tư vào lĩnh vực khách sạn lên đến 25,4 tỷ USD so với năm 2020, chiếm 50% tổng hoạt động giao dịch trên toàn cầu. JLL dự báo thị trường kinh doanh khách sạn đang chuyển mình và thích ứng tích cực cùng với sự thay đổi nhanh chóng về hành vi và kỳ vọng của người tiêu dùng trong giai đoạn hậu Covid.
Vũ Lê