Báo cáo thị trường Hà Nội của Savills Việt Nam cho biết, trong quý II, phân khúc 5 sao hoạt động tốt nhất với công suất đạt 82%, giá thuê trung bình đạt 142 USD một phòng mỗi đêm. Doanh thu trung bình của khách sạn 4 sao đạt 54 USD và của khách sạn 3 sao đạt 30 USD.
Tổng nguồn cung thị trường Hà Nội đạt khoảng 9.800 phòng từ 65 khách sạn, trong đó 16 khách sạn 5 sao, 18 khách sạn 4 sao, 31 khách sạn 3 sao, giảm 1% theo năm do có ba khách sạn 3 sao bị xuống hạng. Công suất thị trường tăng 2 điểm % theo năm trong khi giá thuê trung bình tăng 13% theo năm, doanh thu mỗi buồng phòng tăng 16% theo năm.
Báo cáo cũng cho biết, giá phòng trung bình khu vực phía Tây chỉ đứng thứ hai sau khu vực nội thành. Đặc biệt, khu vực này cũng dẫn đầu công suất với 80% và doanh thu buồng 103 USD mỗi phòng cho một đêm.
9 tháng đầu năm, Hà Nội đón 21,5 triệu lượt khách, tăng 9,4% theo năm, trong đó khách quốc tế đạt 4,7 triệu lượt, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
"Mức tăng trưởng khách quốc tế 9,6% theo năm từ các quốc gia là nguồn FDI chính như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy hoạt động của phân khúc 5 sao, tuy nhiên mức tăng trưởng khách du lịch không quá lớn so với 2 năm gần đây. Giải đua xe Công thức 1 năm sau sẽ gia tăng khách du lịch ngắn ngày trong quý II/2020 và sẽ giúp lấp đầy thị trường khách sạn 4-5 sao. Thị trường khách sạn và du lịch sẽ tiếp tục phát triển – đặc biệt nếu vấn đề ô nhiêm môi trường được kiểm soát tốt", ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định.
Savills cho biết thêm, các khách sạn quốc tế hoạt động tốt hơn các khách sạn nội địa với công suất đạt 80%, cùng với giá thuê và doanh thu buồng trung bình gấp đôi các khách sạn nội địa.
Nguyễn Hà