Quận 1 TP HCM là nơi tập trung nhiều điểm du lịch nổi tiếng, đông khách nước ngoài. Tuy nhiên, theo kết quả tìm kiếm trên Google Maps trong bán kính hơn 7 km, có khoảng 10 bốt vệ sinh công cộng. Phần lớn du khách đều nói họ không nhìn thấy hoặc khó kiếm nhà vệ sinh công cộng. Một số xác định "không có nhu cầu sử dụng".
Amalie, du khách đến từ Đan Mạch, lần đầu tới Việt Nam, chia sẻ trong hai ngày ở TP HCM, cô bắt gặp rất ít bốt vệ sinh công cộng ở trung tâm. Amalie chỉ thấy một bốt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, nhiều người rất dễ bỏ qua địa điểm này vì xung quanh quá nhiều nhà hàng, quán ăn che lấp.
Amalie không có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh công cộng khi đi du lịch vì vấn đề vệ sinh không đảm bảo. Cô thường ghé trung tâm thương mại, nhà hàng hoặc quán cà phê.
"Tôi vừa vào một quán cà phê trên đường Nguyễn Huệ kiếm chỗ đi vệ sinh và mua hai ly đồ uống mang đi để không cảm thấy ngại", Amalie nói.
Tương tự, Anais, du khách Pháp cũng cho biết không mấy quan tâm đến nhà vệ sinh công cộng khi đi du lịch nước ngoài vì mặc định nhà vệ sinh công cộng ở nơi nào cũng đều không sạch sẽ. Anais từng bị ấn tượng xấu với nhà vệ sinh công cộng ở Paris (Pháp), dù thành phố này xây dựng khá nhiều điểm phục vụ du khách.
"Tôi thấy khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đi bộ khá nhiều, trong khi đó nhà vệ sinh lại đặt ở những vị trí không thuận tiện. Những du khách lần đầu đến Việt Nam như tôi sẽ không bỏ thời gian để tìm kiếm đường đến nhà vệ sinh công cộng. Vào trung tâm thương mại hoặc hàng quán còn nhanh hơn", Anais nói.
Jennifer và Linda, cặp du khách Thụy Sĩ, cho rằng tình trạng ít bốt vệ sinh công cộng "không chỉ xảy ra ở TP HCM" mà còn ở "một số điểm đến khác tại châu Á". Họ cũng ưu tiên giải quyết nhu cầu cá nhân ở trung tâm thương mại hoặc quay về khách sạn.
Nhà vệ sinh công cộng là vấn đề đang được quan tâm khi tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) dẫn lại một nghiên cứu đánh giá nhà vệ sinh công cộng tại 69 thành phố du lịch trên thế giới. Theo đó, hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP HCM đều có chỉ số thấp với vị trí lần lượt là 66 và 67. Bảng xếp hạng dựa trên số nhà vệ sinh công cộng có trên mỗi km2. Bài báo cho rằng, TP HCM có mọi thứ mà khách du lịch mong muốn như thức ăn ngon, lịch sử kiến trúcc, cuộc sống sôi động. "Tất cả đều hấp dẫn, trừ nhà vệ sinh". Bài báo còn nhắc đến nạn đi vệ sinh trên vỉa hè là "nỗi xấu hổ" của thành phố.
Phản hồi với VnExpress về vấn đề này, Sở Du lịch TP HCM nhận định việc truyền thông quốc tế đánh giá thực trạng nhà vệ sinh công cộng tại khu vực trung tâm phần nào ảnh hưởng đến bộ mặt du lịch thành phố. Những tác động có thể thấy là làm giảm hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch, làm ảnh hưởng tiêu cực đến các kế hoạch kích cầu, thu hút du khách quốc tế.
Qua khảo sát, Sở nắm được một số nguyên nhân nhà vệ sinh vẫn chưa được đầu tư. Hiện một số điểm tham quan không có nhà vệ sinh công cộng do không có kinh phí xây dựng. Một số điểm tham quan, di tích không thuộc quản lý của Sở Du lịch mà thuộc UBND quận, huyện, ban trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý. Do đó, việc đôn đốc xây dựng cần phải có sự đồng thuận của địa phương, đơn vị chủ quản.
Tại các điểm được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia, việc xây dựng, sửa chữa còn liên quan đến quy hoạch bảo tồn di tích. Vì vậy, các đơn vị, ban quản lý, ban trị sự không thể tự tiến hành mà phải làm thủ tục xin ý kiến phê duyệt của Cục Di sản Văn hóa.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel, cho hay nhà vệ sinh công cộng ở TP HCM được đầu tư nhiều, chất lượng còn mới, tốt hơn so với Hà Nội. Tuy nhiên, khu vực trung tâm thành phố có nhiều trung tâm thương mại, hàng quán có nhà vệ sinh chất lượng tốt hơn. Do đó, du khách có nhiều lựa chọn địa điểm giải quyết nhu cầu cá nhân, bốt vệ sinh công cộng số lượng ít càng mờ nhạt.
Việc ít nhà vệ sinh công cộng ở TP HCM cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách du lịch tự túc. "Không phải lúc nào nhà hàng, quán cà phê hay trung tâm thương mại cũng là lựa chọn tốt. Đôi khi tìm nhà vệ sinh công cộng tại trung tâm thương mại cũng tốn thời gian", ông Đạt nói.
Bên cạnh đó, ông Đạt cũng cho biết trước khi Nikkei Asia công bố bảng xếp hạng, chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại TP HCM cũng là vấn đề bức bối. Nhà vệ sinh ở thành phố có thể được đầu tư ngân sách tốt, nhưng gặp hạn chế về địa điểm xây dựng. Các điểm du lịch trung tâm thường thuộc khu đất "vàng", nhà vệ sinh công cộng sẽ ít được ưu tiên xây dựng.
"Ngoài ra, việc vận hành cũng chưa được chú trọng. Một số nhà vệ sinh có chỗ xây rồi nhưng lại không được đầu tư cơ sở vật chất, không được bảo trì, dọn dẹp thường xuyên", ông Đạt nhận định.
Để cải thiện điều này, cả đại diện của Sở và ông Đạt đều cho rằng trước hết phải cần đến nhận thức đúng đắn của các đơn vị quản lý. Cần phải có sự so sánh, đối chiếu, đặt những tiêu chuẩn xây dựng nhà vệ sinh ở mức tương tự một số nước tiên tiến trong khu vực như Singapore hay Malaysia để có phương án sửa chữa, trùng tu, xây dựng nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn. Ngoài ra, cũng cần ban hành quy định quản lý, vận hành, tiêu chí đánh giá xếp hạng và thời hạn sử dụng của nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch.
Bích Phương