Ngày 19/6, TAND Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của anh em Nguyễn Hải Nam (33 tuổi) và Nguyễn Viết Thắng (28 tuổi).
Nam và Thắng bị TAND quận Nam Từ Liêm tuyên phạm tội Cướp tài sản theo điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt lần lượt 8 năm, 7 năm 6 tháng tù. Hai đồng phạm Phạm Quang Vĩnh (21 tuổi) và Trần Thị Dịu (30 tuổi) bị phạt từ 6 năm đến 6 năm 6 tháng.
Bản án xác định, Nam sống ở Bình Định, thường xuyên đặt mua chó cảnh từ anh Trần Mạnh Tú (ở Hà Nội) qua mạng xã hội. Cuối tháng 3, đầu tháng 4/2018 Nam chuyển cho anh Tú 35 triệu đồng song đến hẹn không nhận được hàng.
Nhiều lần đòi tiền nhưng cũng không được Tú trả, còn bị mất liên lạc, Nam tức tối nhờ Trần Thị Dịu đòi nợ. Tối 9/5/2018, Nam bắt tàu ra Hà Nội, gọi em trai Nguyết Viết Thắng rồi cùng Dịu, Vĩnh đi ôtô bán tải tới nhà Tú.
Thấy Tú đang ăn cơm, Nam xông vào đấm đá, rút dao dọa phải trả nợ ngay nếu không sẽ siết nợ bằng xe SH. Thắng cũng dọa dẫm, Vĩnh và Dịu được phân công quay video.
Thấy anh Tú không trả tiền, cũng không giao chìa khóa chiếc SH, cả nhóm khiêng xe lên ôtô chở về nhà Dịu. Từ tin báo của Tú, hôm sau nhóm Nam bị bắt. Không chấp nhận bản án sơ thẩm, anh em Nam kháng cáo.
Tại phiên tòa hôm nay, anh em Nam cho rằng hình phạt cấp sơ thẩm tuyên quá nặng. Trước khi lấy xe, Nam đã được anh Tú đồng ý. Hơn nữa tức giận vì Tú bỏ chạy, Nam mới tức giận "động chân, động tay".
Tuy nhiên, chủ tọa cho rằng nếu Nam không đánh, dùng dao đe dọa thì anh Tú không đưa xe. "Bị cáo cưỡng ép nên mới không có chìa khóa. Bị cáo phải khiêng xe lên ôtô thì sao gọi là chủ xe tự nguyện giao?", thẩm phán nói và cho rằng việc dùng vũ lực lấy tài sản của người khác thì là cướp tài sản.
HĐXX phúc thẩm cho rằng bản án tuyên với hai anh em Nam có phần nghiêm khắc nên chấp nhận kháng cáo, giảm 2 năm 6 tháng tù với mỗi bị cáo.
Luật sư Đỗ Trọng Linh, Hà Nội cho biết theo Bộ luật Hình sự 2015, hành vi siết nợ có thể phạm một trong các tội sau:
Chủ nợ (hoặc người đại diện thông qua ủy quyền) dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản theo điều 168 Bộ luật Hình sự 2015. Mức hình phạt cao nhất với tội này đến tù chung thân.
Chủ nợ đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần con nợ (kéo nhiều người đến để thị uy) nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 Bộ luật Hình sự 2015. Mức hình phạt cao nhất với tội này đến 20 năm tù.
Với hai hành vi trên, pháp luật đều không đòi hỏi tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ bao nhiêu trở lên thì mới phạm tội. Do vậy, về nguyên tắc, có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc hoặc đe dọa sẽ dùng vũ lực... để chiếm đoạt tài sản thì tội phạm đã hoàn thành. Việc đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa không phải là căn cứ định tội đối với hành vi phạm tội.
Hà Nguyên