Chiều tối 17/2, vợ chồng chị Kim Chi (25 tuổi, quê Nghệ An) đến nhà người thân ở khu đô thị Đại Thanh (Hà Nội), gửi chiếc ôtô Lexus trị giá gần 4 tỷ đồng qua đêm bãi xe dưới chân toà nhà.
Sáng hôm sau, vợ chồng chị xuống lấy xe thì hốt hoảng thấy logo xe bị mất sạch. Bảo vệ lập tức "phủi" trách nhiệm. Vợ chồng chủ xe trình báo lên công an phường nhưng được thông báo đây là việc dân sự nên các bên tự giải quyết.
Chiều 20/2 trong buổi làm việc với đại diện chủ xe, đơn vị quản lý khu chung cư nói rằng bãi xe không phải do họ quản lý nên từ chối trách nhiệm bồi thường. Mệt mỏi cách "đá bóng" của các bên, chủ xe chia sẻ với VnExpress rằng không muốn theo đuổi việc đòi bồi thường nữa.
Theo nhiều luật sư, việc gửi xe là giao dịch dân sự (thể hiện qua vé, lời nói, cử chỉ giao nhận). Điều 554 Bộ luật dân sự 2015 quy định bên giữ nhận tài sản phải bảo quản và trả lại chính tài sản đó khi hết thời hạn hợp đồng. Bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp không phải trả.
Theo Điều 557 Bộ luật dân sự, bên giữ tài sản phải có các nghĩa vụ sau: bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận; chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi; phải thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó. Cuối cùng, bên giữ tài sản phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản trừ trường hợp bất khả kháng.
Luật sư Phạm Thanh Bình, Hà Nội cho biết căn cứ những quy định này, nếu xe gửi bị mất hoặc bị trộm phụ tùng, bên trông giữ xe phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp bất khả kháng.
Nếu người trông giữ xe chỉ là người làm công, chủ bãi gửi xe phải thay mặt bồi thường. Khi xe có mua bảo hiểm, chủ phương tiện yêu cầu phía bảo hiểm bồi thường thiệt hại cho mình theo hợp đồng, sau đó bên bảo hiểm sẽ yêu cầu bên trông xe bồi thường lại.
Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận, chủ phương tiện có quyền kiện ra tòa.
Bảo Hà – Phạm Dự