Nghiên cứu của ứng dụng đặt phòng có đối tác tại hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ Booking.com cuối tháng 6 chỉ ra 69% khách du lịch LGBTQ+ Việt Nam từng trải qua cảm giác bị phân biệt đối xử khi đi du lịch. Sự phân biệt không chỉ đến từ những người đồng hành trong chuyến đi mà còn từ người dân địa phương nơi họ đến du lịch. 60% người được hỏi thừa nhận thuộc cộng đồng LGBTQ+ khiến họ bất an, tự ti khi đi du lịch. Tuy nhiên, bất chấp những trở ngại, các du khách đang từng bước lấy lại quyền kiểm soát đời sống cá nhân.
LGBTQ+ là viết tắt của Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (song tính), Transgender (chuyển giới), Queer (xu hướng giới tính khác biệt hoặc không xác định mình theo bất kỳ nhãn nào) hoặc Questioning (đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân). Dấu cộng đại điện cho sự tồn tại đa dạng các nhóm khác trong cộng đồng như: N là Non-binary (nghi hoặc giới), I Intersex (liên giới tính), A vô tính (vô tính).
Nghiên cứu xu hướng du lịch của cộng đồng LGBTQ+ Việt Nam được thực hiện nhằm hưởng ứng tháng Tự hào (Pride Month - tháng 6) của cộng đồng này. Với 11.500 khách thuộc cộng đồng ở 27 quốc gia, vùng lãnh thổ, từng đi du lịch ít nhất một lần trong 12 tháng tham gia, nội dung nghiên cứu đã chỉ ra các thách thức mà du khách thuộc cộng đồng đang phải đối mặt và cách họ vượt qua các rào cản để trải nghiệm thế giới theo cách riêng.
Sau khi đã quyết định được điểm đến, khách du lịch LGBTQ+ sẽ thực hiện thêm các bước để chủ động giảm bớt mối lo về khả năng bị phân biệt đối xử trên chuyến bay. 54% từng gặp phải trải nghiệm "không mấy dễ chịu" từ những du khách trên cùng chuyến bay mà nguyên nhân đến từ chính bản dạng giới của họ. 57% bày tỏ sự lo lắng khi phải ngồi cạnh người lạ, e ngại những người đó sẽ phản ứng tiêu cực hoặc có hành vi không thân thiện với cộng đồng LGBTQ+. Chính vì lý do này, 69% du khách LGBTQ+ Việt Nam thường chọn chỗ ngồi trước khi lên máy bay nhằm giảm thiểu tối đa sự tương tác với người khác.
Bên cạnh đó, 59% người được hỏi cho biết chi phí vẫn đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn điểm du lịch. 70% đang tìm kiếm những trải nghiệm cho phép họ được là chính mình.
Mối quan tâm này không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đặt kỳ nghỉ. Khảo sát cho thấy 73% du khách ưu tiên lựa chọn những điểm đến thân thiện với cộng đồng LGBTQ+.
Khách du lịch thuộc cộng đồng LGBTQ+ đang tích cực tạo dựng những bản ngã khác nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân trong suốt chuyến du lịch. 58% người được hỏi cho biết họ có xu hướng điều chỉnh ngoại hình, hành vi để giảm thiểu sự chú ý không mong muốn và tránh bị phân biệt đối xử. 54% đã biến thành "con người khác" để an toàn vượt qua những hoàn cảnh và môi trường khác nhau khi du lịch. Việc tạo ra một con người khác không chỉ khiến họ cảm thấy an toàn mà còn giúp thích nghi tốt hơn với những điều kiện văn hóa đặc thù tại điểm đến.
Cộng đồng này cũng mong muốn các công ty du lịch cải thiện và nâng cao trải nghiệm du lịch. 40% hy vọng các công ty sẽ phát triển bộ lọc để xác định những nơi lưu trú thân thiện với cộng đồng. Đến nay, có hơn 67.000 cơ sở lưu trú trên 133 quốc gia, vùng lãnh thổ nằm tại 12.645 thành phố, điểm tham quan nhận chứng nhận Travel Proud của Booking (chứng nhận điểm đến thân thiện với LGBTQ+).
Bên cạnh quyết định mang tính cá nhân, du khách LGBTQ+ tại Việt Nam cũng ghi nhận những tiến triển trong ngành du lịch, với 80% cho rằng văn hóa hòa nhập ngày một mở rộng khiến họ cảm thấy thoải mái hơn khi đi du lịch. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng còn rất nhiều việc cần làm từ mọi phía trong ngành để đẩy lùi sự kỳ thị.
Arjan Dijk, Giám đốc Marketing kiêm Phó chủ tịch cấp cao tại Booking, cho biết được truyền cảm hứng khi chứng kiến du khách thuộc cộng đồng LGBTQ+ ngày một tự chủ trong chuyến du lịch cá nhân. "Đó là cách duy nhất để chúng ta thực sự sống hết mình, không ngừng phát triển", ông Dijk nói.
Anh Minh