Những đợt sóng thần đánh vào hàng loạt bờ biển dọc eo biển Sunda khoảng 21h30 ngày 22/12, giờ địa phương, đúng mùa cao điểm du lịch, mà không có bất kỳ tín hiệu cảnh báo nào. 9 khách sạn, 558 căn nhà, 60 nhà hàng, 350 con tàu bị phá huỷ, sóng thần xô đổ cột điện và cuốn những nạn nhân ra khơi, CNN đưa tin.
Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy khoảnh khắc bức tường nước khổng lồ đánh sập show biểu diễn ven bãi biển của ban nhạc "Seventeen" tại khu nghỉ dưỡng Tanjung Lesung trên mũi phía tây Java.
Tiếng la hét vang lên khắp nơi khi sân khấu trôi về phía những khán giả đang nhảy múa. Nhiều thành viên trong ban nhạc được xác nhận tử vong vào 23/12, trong khi vợ của giọng ca chính Riefian Fajarsyah, vẫn mất tích cùng nhiều người khác.
Nono, một du khách đến từ Bekasi (Tây Java, Indonesia), đang ở trong một căn phòng cầu nguyện khi tất cả nghe thấy tiếng động lớn kéo theo hàng loạt tiếng hét cầu cứu. Nono trả lời Antara: "Chúng tôi thấy hàng trăm người đang xem một sự kiện âm nhạc biến mất dưới cơn sóng".
Khi chạy ra ngoài, gia đình Nono cũng bị nước táp vào người, sóng cuốn Alif - con trai 10 tuổi của Nono - ra xa hàng mét, trong khi vợ anh dắt đứa con còn lại chạy lên một quả đồi. Nono và Alif được sơ cứu tại trung tâm sức khoẻ cộng đồng vào 23/12, cả nhà anh may mắn an toàn.
Oystein Lund Anderson, du khách Na Uy, và vợ con cũng thoát khỏi tay tử thần khi thảm hoạ ập tới. Lúc ấy, Anderson đang chụp ảnh ngọn núi lửa thì sóng thần đánh vào bờ.
Trong giây lát nước tràn tới khách sạn gia đình ông nghỉ và nhấn chìm những chiếc ôtô trên đường. Anderson và vợ con nhanh chóng di tản qua những cung đường rừng và các ngôi làng. Tại đây người dân địa phương chăm sóc gia đình du khách Na Uy.
Tới chiều 23/12, giới chức địa phương xác nhận ít nhất 222 người thiệt mạng, 843 người bị thương và 28 người mất tích sau thảm hoạ. Nhiều người trong số các nạn nhân tử vong là du khách, theo Jakarta Post. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Pandeglang, thuộc tỉnh Banten trên đảo Java, nơi có vườn quốc gia Ujung Kulon.
Hiện các cơ quan của chính phủ Indonesia và các tổ chức cứu trợ đang gấp rút tới khu vực chịu ảnh hưởng trong thảm hoạ để thực hiện các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cung cấp thực phẩm và nơi lưu trú. Các tổ chức quốc tế cũng đang chuẩn bị hỗ trợ.
Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia đã hứng chịu hàng loạt thiên tai trong năm 2018. Trước đó, hơn 100 người thiệt mạng khi một trận động đất san phẳng hòn đảo du lịch Lombok gần Bali vào tháng 8. Trong tháng 9, hơn 2.500 người thiệt mạng vì thảm hoạ kép động đất - sóng thần xảy ra tại thành phố Palu trên đảo Sulawesi, phía đông Borneo.