Sau khi bệnh nhân được các vòi xịt tự động và điều dưỡng viên rửa, tắm, gội sạch, máy sấy sẽ bật lên. Xong xuôi, robot lại nhấc về giường. Ngoài ra, còn hàng trăm loại thiết bị phục vụ như xe lăn, robot hút ẩm, robot hút mùi, robot hút bụi, bồn tắm chuyên dụng... được đầu tư. Cả một ngành công nghiệp sản xuất trang thiết bị phục vụ cho người già rất phát triển.
Ở Nhật, quy hoạch và xây dựng nhà dưỡng lão nhiều như trường mầm non, mà chúng tôi hay gọi là trường "mầm già". Mỗi buổi sáng, các cặp vợ chồng đưa cả con trẻ và cha mẹ già của mình đến trường và nhà dưỡng lão. Ở đây, ông bà được khám sức khỏe, được vui chơi, tập luyện, chuyện trò cùng những người già khác. Có nhiều cấp độ chăm sóc dưỡng lão. Người bệnh nặng, già yếu vào đây đến khi mất. Người thì ở đây toàn thời gian. Người thì ở bán trú, sáng vào, chiều về.
Người già ở Nhật còn sức khỏe thì sẽ duy trì làm việc để rèn luyện trí óc và thân thể, kiếm thêm thu nhập cho bản thân, giảm tối đa phụ thuộc vào con cái. Hầu hết việc lái taxi, tư vấn, hướng dẫn giao thông, dọn dẹp, vệ sinh, làm vườn, lễ tân, thợ mộc, nhân viên siêu thị, trông trẻ, chăm sóc những người già khác... đều do người già đảm nhận.
Chẳng hạn như ông Saita (sinh năm 1947) - vẫn miệt mài làm việc tại một doanh nghiệp phái cử lao động ở Nagoya, Nhật Bản. Ông sẽ chưa "nghỉ hưu" cho tới 80 tuổi. Đây là điều phổ biến ở đất nước "mặt trời mọc" - quốc gia nổi tiếng với nền "kinh tế bạc", phục vụ những khách hàng giàu và già.
Theo Từ điển Oxford, kinh tế bạc (silver economy) là một bộ phận của nền kinh tế có liên quan đến nhu cầu của người cao tuổi, là tổng thể các hoạt động bao gồm sản xuất, tiêu thụ, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu của người 50 tuổi trở lên.
Vậy là những người sinh trước năm 1974 thuộc nền kinh tế bạc. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, đến năm 2020, thế giới có 703 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 9,1% tổng dân số. Đến 2050, thế giới sẽ có 2,1 tỷ người trên 60 tuổi. Dân số toàn cầu từ 50 tuổi trở lên còn lớn hơn rất nhiều.
Người cao tuổi có nhu cầu và năng lực tiêu dùng riêng biệt. Họ là nhóm có tiết kiệm lớn, khả năng chi tiêu cao. Người cao tuổi cũng dần thay đổi quan niệm tiêu dùng, từ "tiết kiệm" chuyển sang "chi tiêu" để tận hưởng sự vui vẻ, hài lòng và thoải mái trong cuộc sống.
Covid-19 càng thúc đẩy nhận thức về cuộc sống vô thường. Xu hướng này tạo ra nhu cầu khổng lồ và tiềm năng to lớn của thị trường sản xuất, cung cấp dịch vụ phục vụ người cao tuổi. Người tóc bạc đang là tâm điểm thu hút đến du lịch, nghỉ ngơi của Malaysia, Thái Lan... thông qua các chương trình Ngôi nhà thứ hai, Thị thực vàng.
Năm 2020, thị trường toàn cầu cho sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi được ước tính đạt giá trị 15 nghìn tỷ USD. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chứng kiến tăng trưởng nhanh nhất, do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng ở các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Ở châu Âu, nền kinh tế bạc chiếm khoảng 25% GDP. Với những quốc gia như Italy, Đức, tỷ lệ dân số lớn tuổi đặc biệt cao.
Ở Thái Lan, có những khu chung cư được thiết kế phục vụ chuyên cho người già với các khu công cộng thân thiện, rộng rãi, tối giản, không có barier hay rào chắn. Hàng lang và cửa căn hộ rộng rãi để cáng xe cứu thương có thể tiếp cận dễ dàng. Căn hộ có diện tích từ 25 m2, cùng một mặt bằng, không có gờ giữa các không gian. Sàn bằng gỗ vừa ấm cúng vừa không gây chấn thương khi người già chẳng may bị ngã. Các ổ cắm, công tắc để thấp. Xe lăn có thể tiếp cận mọi không gian từ giường, bàn ăn, bàn đọc sách, bếp, wc, nhà tắm có bồn tắm. Các nút "nurse call" được lắp đặt để gọi trong trường hợp khẩn cấp...
Nhật Bản đã ban hành Luật Phúc lợi Xã hội cho người cao tuổi (1963) để có giải pháp tổng thể về tài chính, chăm sóc sức khỏe người già. Theo quy định, người Nhật phải đóng Quỹ bảo hiểm chăm sóc người cao tuổi từ năm 40 tuổi. Khi người già vào nhà dưỡng lão, phần lớn chi phí hàng nghìn USD mỗi tháng do Quỹ chi trả. Chi phí dịch vụ chăm sóc trung bình tùy theo từng tỉnh. Bản thân người sử dụng dịch vụ chỉ phải trả 10% tổng chi phí hàng tháng. Những người có thu nhập trên mức quy định sẽ trả nhiều hơn, có thể 20-30%. Nếu người già không có tiền và con cháu thì nhà nước sẽ trợ cấp toàn bộ chi phí.
Gần đây, người Nhật cho ra mắt ôtô dành cho người già với thân nhỏ, gầm thấp, cửa rộng, thiết bị lái đơn giản... Cửa lên xuống vừa khít và cùng mặt bằng với sân ga để hỗ trợ người già và người tàn tật, bãi đỗ xe ưu tiên, đường cho xe lăn tiếp cận các công trình công cộng bao gồm cả nhà vệ sinh, các trung tâm hỗ trợ việc làm cho người già... là những ví dụ sinh động khác về việc người Nhật đã chuẩn bị công phu và vận hành xã hội thân thiện với người cao tuổi như thế nào.
Phạm vi của nền kinh tế bạc không chỉ bao gồm chăm sóc sức khỏe mà còn mở rộng đến nhiều lĩnh vực khác như y tế, bất động sản (nhà ở, nhà dưỡng lão, khách sạn, resort), giáo dục và đào tạo, vui chơi, giải trí, giao thông, vận chuyển, thực phẩm, dinh dưỡng, an ninh, dịch vụ tài chính (bảo hiểm, tiết kiệm, tư vấn, quản lý tài sản), lao động, việc làm, công nghệ (AI, robot)... Điều này vừa mở ra cơ hội vừa đặt ra những yêu cầu, thách thức đối với mỗi quốc gia trong việc hoạch định, phát triển nền kinh tế bạc phù hợp với điều kiện thực tế của mình.
Dân số Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011 với số người cao tuổi từ 65 trở lên chiếm 7% tổng dân số. Dự báo đến 2050, người già sẽ chiếm 20,4% lên mức 22,3 triệu người hay nói cách khác, cứ 5 người thì có một người cao tuổi.
Việt Nam đã ban hành chính sách, pháp luật cho người cao tuổi, chủ yếu dưới góc độ xã hội. Sự chuẩn bị kỹ càng cho nền kinh tế bạc rất cần được khởi động với các nhóm vấn đề như: tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đưa ra tầm nhìn; hoàn thiện chính sách; pháp luật về nền kinh tế bạc.
Cần xác định vai trò của nền kinh tế bạc trong tổng thể nền kinh tế quốc dân, xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển; lượng hóa quy mô, tính lan tỏa của nền kinh tế bạc; cần xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, định mức dự toán cho các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người cao tuổi; khuyến khích đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo; đầu tư vào giáo dục; tạo cơ hội việc làm phù hợp cho người cao tuổi; triển khai các giải pháp hỗ trợ bao gồm cả hỗ trợ về tài chính và phi tài chính.
Chuẩn bị kỹ càng mọi điều kiện đáp ứng nhu cầu người lớn tuổi là cách để đón đầu tiềm năng nền kinh tế bạc đồng thời giải quyết các vấn đề an sinh xã hội bền vững.
Đoàn Văn Bình