Lee Hannim thích thiền, yoga nên Phú Quốc là nơi thích hợp cho những hoạt động này. Nữ du khách khen Phú Quốc đẹp, an toàn và người dân thân thiện với khách quốc tế.
"Sau Covid-19, nhiều người hướng đến chuyến du lịch nhẹ nhàng, thư giãn và kết nối với thiên nhiên. Phú Quốc là hòn đảo biệt lập nên đã thu hút tôi", Hannim nói và cho biết thành phố đảo này "rất nổi tiếng" ở Hàn Quốc.
Theo cô, người Hàn Quốc thích đi Việt Nam du lịch và Phú Quốc đang là lựa chọn hàng đầu. Bản thân Hannim cũng từng tới Đà Nẵng, Hội An 5 năm trước nên quyết định tìm kiếm trải nghiệm mới mẻ hơn trong chuyến đi này.
Theo tạp chí Hotel & Restaurant (Hàn Quốc), Việt Nam là điểm đến nước ngoài yêu thích của du khách đến từ xứ sở kim chi nhờ khoảng cách ngắn, giá cả hợp lý và ẩm thực hợp khẩu vị. Tạp chí này giới thiệu Phú Quốc "là một trong số ít nơi có thể tìm thấy làn nước biển màu ngọc lục bảo ở Việt Nam". Sự đa dạng hoạt động, trải nghiệm ở nam và bắc đảo cũng là yếu tố hấp dẫn du khách.
Modetour, công ty lữ hành thành lập năm 1989 ở Hàn Quốc, cũng vừa thông báo đa dạng hóa sản phẩm du lịch Phú Quốc nhằm đáp ứng lượng quan tâm đang tăng của khách Hàn Quốc trong mùa đông.
"Sau Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc ngày càng được khách Hàn Quốc ưa chuộng. Chúng tôi đang đa dạng hóa sản phẩm để du khách trải nghiệm sự quyến rũ của Phú Quốc", đại diện công ty nói với Herald Corp - đơn vị truyền thông lớn ở Hàn Quốc.
Ông Vũ Tiến Văn, Tổng giám đốc Adavigo, cho biết công ty tập trung khai thác dòng khách quốc tế ở Phú Quốc và nhận thấy nhiều dấu hiệu tích cực. Về khách Hàn Quốc, ông Văn nhận xét nhóm này thực sự quan tâm nhiều đến Việt Nam. Trong giai đoạn khó khăn vì ít khách nội địa vừa qua, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch ở Phú Quốc gần như "sống nhờ khách Hàn Quốc".
Tuy nhiên, ông Văn nói đây không phải thị trường màu mỡ cho các công ty lữ hành Việt Nam. Lý do là các công ty lữ hành ở Hàn Quốc thường làm việc "khá cục bộ", không liên kết với công ty lữ hành Việt Nam. Họ chủ yếu làm với các công ty tại Việt Nam nhưng có "mối liên kết" với bên Hàn Quốc. Dù vậy, ông Văn đánh giá sự tăng trưởng của khách Hàn Quốc tác động tốt tới các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch như nhà hàng, điểm vui chơi ở Phú Quốc.
Adavigo hiện tập trung khai thác dòng khách Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc). Ông Văn cho biết gần đây vừa đón thành công một đoàn 500 khách Ấn Độ. Trong giai đoạn tháng 11 và tháng 12, công ty sẽ cố gắng hoàn tất hợp đồng với một số đối tác từ Đài Loan. Theo ông Văn, giai đoạn cuối năm, đặc biệt sau Noel, sự quan tâm từ khách quốc tế tới Phú Quốc sẽ rất lớn.
"Khách nước ngoài thích Phú Quốc vì trong ba năm dịch, thành phố đảo này thay đổi rất nhiều nhưng họ chưa tới được. Do đó, hiện tại, họ xem Phú Quốc là điểm đến hàng đầu", ông Văn nói.
Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, nhận xét Phú Quốc có sức hấp dẫn lớn với khách quốc tế nhờ thời tiết đẹp dịp cuối năm (cao điểm du lịch của khách quốc tế), bờ biển tuyệt vời và nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng xa xỉ. So với mức chi tiêu của khách quốc tế, chi phí du lịch ở Phú Quốc cũng không quá cao.
Ông Huy cho biết từ nửa cuối tháng 10, tình hình khách du lịch quốc tế tới Phú Quốc khá tích cực. Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang ghi nhận nhiều đơn vị trực thuộc đã đón được các đoàn khách từ Đài Loan, Malaysia. Bên cạnh đó, một số đơn vị kinh doanh du lịch trên đảo đã tiếp cận với nguồn khách quốc tế, đặc biệt từ Hàn Quốc, thông qua các KOLs (người có tầm ảnh hưởng) hoặc quảng cáo trên Naver - công cụ tìm kiếm hàng đầu nước này.
"Đó là cách làm hợp lý, theo kịp xu hướng hiện đại", ông Huy nói.
Sau 9 tháng năm 2023, Phú Quốc đón hơn 470.000 khách quốc tế, tăng 257,9% so với cùng kỳ và vượt 34,4% kế hoạch năm. Dù tình hình khách quốc tế khá khả quan, nhiều người làm du lịch ở "đảo ngọc" cho biết không thể phụ thuộc vào khách quốc tế. Theo họ, lượng khách quốc tế không dồi dào đến mức có thể lấp đầy khoảng trống từ khách nội địa. Do đó, bên cạnh việc thu hút khách quốc tế, Phú Quốc cũng cần có giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng lượng khách nội địa.
Tú Nguyễn