"Tôi thích cách người dân Việt Nam cúi chào trước mộ Anh hùng Võ Thị Sáu", du khách Sébastien chia sẻ cảm nhận trong lần đầu đến thăm Côn Đảo. Anh dạy lịch sử tại Pháp nên rất thích các điểm đến như bảo tàng, nhà tù Côn Đảo.
Đoàn của Sébastien sau đó đến cảng Nhà Rồng, bắt đầu chuyến tham quan TP HCM với các hoạt động thêm như ghé chợ hoa và phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ. "Tour tham quan TP HCM quá tuyệt vời", Juliette, một du khách Pháp khác chia sẻ.
Sébastien và Juliette là hai trong số 200 khách quốc tế đến Việt Nam trên siêu du thuyền 5 sao Le Jacques Cartier của hãng tàu Pháp Ponant hồi tháng 2. Lịch trình của đoàn kéo dài 7 ngày 6 đêm ở Phú Quốc, Côn Đảo, TP HCM, Cái Bè (Tiền Giang) và Củ Chi.
Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia, trong 7 tháng đầu năm Việt Nam đón 8,4 triệu lượt khách đến bằng đường không và 163.000 lượt khách cập cảng bằng đường biển. Lượng khách đến bằng tàu biển tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2023 và hơn gần 10% so với 2019 - năm hoàng kim của du lịch Việt.
CEO Phạm Hà của Lux Group, đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch cao cấp tại Việt Nam, cho biết tệp khách đến bằng đường biển chưa phải ngỗng đẻ trứng vàng cho du lịch Việt. Tệp khách này có nhược điểm ít khi lưu trú qua đêm tại điểm đến, mà chỉ đến và đi trong ngày. Phần lớn các hoạt động vui chơi giải trí của khách đều diễn ra trên tàu. Tuy nhiên, họ lại sở hữu hai lợi thế mà ngành du lịch nước nào cũng mong muốn: nhiều tiền và nhiều thời gian. Do đó, Việt Nam cần tìm cách để thu hút thêm lượng khách tàu biển cũng như giữ chân họ.
"Đây là một tệp khách tốt", ông Phạm Hà nhận xét khi nói về những khách quốc tế đến Việt Nam trên tàu du lịch và cho biết mùa du thuyền thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 4, trùng với mùa cao điểm du lịch khách quốc tế tại Việt Nam. Khách đến bằng du thuyền có các ưu điểm: đông, chi tiêu mạnh tay, thích mua sắm, tham quan, trải nghiệm văn hóa - ẩm thực địa phương.
Ngoài ra, phần lớn khách đến bằng du thuyền ở độ tuổi trung niên trở lên với mức sống trung lưu. Nhiều người trong số đó đã nghỉ hưu, có tiền tiết kiệm và lương hưu. Theo Vivu Journeys Vietnam, công ty thuộc TMG Group, chịu trách nhiệm dẫn tour cho khách tham quan tại Việt Nam, hành trình 8-12 ngày trên du thuyền Le Jacques Cartier có giá từ 150 đến 640 triệu đồng.
Theo ước tính của CEO Lux Group, chi tiêu trong ngày khi đến Việt Nam của mỗi khách du thuyền khoảng 100-200 USD, không lưu trú qua đêm vì ngủ trên tàu. Trong khi đó, trung bình chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam gồm cả tiền thuê khách sạn khoảng 132 USD một ngày, theo số liệu thống kê của Cục Du lịch Quốc gia 2019.
Quản lý vận hành tour khu vực phía Nam của Vivu Journeys Trương Ngọc Hùng cho rằng lượng khách đến bằng đường biển 7 tháng đầu năm tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái là "vượt kỳ vọng".
Số lượng nhiều cho thấy Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm trở lại từ khách quốc tế cũng như các tuyến du lịch tàu biển đã hoạt động trở lại mạnh mẽ như và thậm chí hơn trước dịch. Điều này cũng cho thấy tiềm năng lớn của Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với khách tàu biển quốc tế. Trong 7 tháng đầu năm, Vivu Journeys cũng đón hai tàu Ponnat ghé Việt Nam với tổng thời gian lưu trú hơn 20 ngày.
Đồng quan điểm với CEO Hà, ông Hùng chỉ ra ngoài tiêu nhiều và đến đông mang lại nhiều lợi nhuận cho các cơ sở khai thác địa phương, khách đường biển đa quốc tịch nên khả năng giúp quảng bá du lịch Việt đến bạn bè quốc tế nhiều hơn.
Việt Nam có vị trí đắc địa với bờ biển dài, nhiều cảng, thuận lợi để phát triển du lịch đường biển và thu hút tàu quốc tế ghé thăm. Văn hóa, lịch sử phong phú tại các địa phương cung cấp cho du khách nhiều mô hình tour khác nhau để trải nghiệm. Đường sá dẫn đến các điểm di tích được nâng cấp, phương tiện chuyên chở được các công ty vận tải đầu tư mới. Nhiều nhà hàng, khách sạn được tu bổ, xây mới sau dịch. Ẩm thực cũng là điểm cộng của Việt Nam trong hút khách quốc tế. Mỗi vũng miền đều có đặc sản riêng, không khiến khách bị nhàm chán.
Chính sách nới lỏng visa và cấp e-visa cho công dân mọi quốc gia vùng lãnh thổ cùng sự giúp đỡ các thủ tục hành chính nhanh chóng từ hải quan, biên phòng, cảng vụ cũng góp phần không nhỏ dẫn đến sự phát triển du lịch trên tuyến đường biển Việt Nam, theo ông Hùng.
Tuy nhiên, lượng khách đến Việt Nam bằng tàu biển vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với lượng khách đến bằng đường không, khoảng 5%. Đây vẫn là con số khiêm tốn so với hai triệu lượt xuất nhập cảnh bằng đường biển của Singapore vào năm 2023.
Theo ông Hà, Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng cảng biển. Việt Nam có nhiều cảng nhưng hiện tại hầu hết là cảng lưỡng dụng (phục vụ tàu chở hàng và khách), dẫn đến các cơ sở kém tiện nghi, sang trọng. Ngoài cảng ở Hạ Long tàu lớn có thể cập bến, tại các cảng biển khác, tàu vẫn phải neo đậu ở xa rồi dùng thuyền nhỏ đưa khách quốc tế vào bờ. Điều này dẫn đến nhiều bất tiện cho khách quốc tế luôn muốn sự nhanh, gọn, hiện đại.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tạo thêm nhiều ưu đãi, các sản phẩm tour du lịch hấp dẫn cho tệp khách đường biển. Nhiều quốc gia khác tại châu Á trong năm nay cũng bắt đầu hướng tới tệp khách này như đưa ra nhiều chương trình kích cầu. Giữa tháng 7, Tổng cục Du lịch Nhật Bản và Cục Du lịch Đài Loan đã gợi ý du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch mới Fly & Cruise. Du khách bay đến Đài Loan tham quan rồi rời Cơ Long trên du thuyền để cập cảng Okinawa, Nhật Bản mà không cần xin visa.
Trước đó vào tháng 5, Cục Quản lý nhập cư quốc gia Trung Quốc (CNI) cho biết miễn visa nhập cảnh tối đa 15 ngày cho khách quốc tế đến bằng du thuyền tại 13 thành phố như Thiên Tân, Thượng Hải, Đại Liên, Liên Vân Cảng, Ôn Châu, Thanh Đảo. Khách đến từ du thuyền có thể tham quan Bắc Kinh hoặc các tỉnh ven biển khác. Còn tại Singapore, từ tháng 12, khách quốc tế khi xuất cảnh bằng đường biển chỉ cần quét mống mắt và khuôn mặt, không cần xuất trình hộ chiếu. Giảm bớt thủ tục xuất nhập cảnh là một trong những chiến lược của quốc gia này trong việc hút khách quốc tế.
"Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để thu hút khách đường biển", CEO Phạm Hà cho biết.
Phương Anh