Nhưng trước sự lo lắng của tôi về nguy cơ mất hẳn môn Lịch sử, anh Jason Picard - một người Mỹ chuyên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam - lại đáp gọn lỏn: “Cứ bỏ đi". Rồi anh từ tốn giải thích thêm: Liệu những kiến thức học sinh đang bị nhồi nhét hiện nay đã thực là lịch sử? Vấn đề ở đây không phải là tích hợp hay không tích hợp, bỏ hay giữ. Mà mấu chốt phải là: cách nào khiến học sinh quan tâm đến môn sử hơn trong thực trạng hiện thời (học sinh học vẹt, học đối phó và hầu như không có kiến thức lịch sử). Thay đổi có nhiều cách, tích hợp chỉ là một trong số đó và không có gì đảm bảo rằng đó là cách tối ưu.
Quả thực, nếu không trả lời được câu hỏi mấu chốt kia, mọi tranh cãi sẽ trở nên vô bổ.
Qua cuộc tranh luận giữa những người muốn tích hợp môn Lịch sử vào bộ môn Công dân với Tổ quốc và những người phản đối việc đó (với lí lẽ gân guốc nhất là làm thế khác gì xoá sổ môn Lịch sử, đồng nghĩa với việc xoá sổ quá khứ, xoá sổ niềm tự hào dân tộc, ý thức văn hoá quốc gia), tôi nhận thấy dường như điều đầu tiên cần phải thay đổi chính là cách nhìn nhận về bộ môn Lịch sử.
Lịch sử trước hết phải là một bộ môn khoa học với yêu cầu phản ánh khách quan, chính xác. Học lịch sử là để có những kiến thức cụ thể về những thời đại đã qua. Chính vì vậy, tôi không thấy có gì khả quan trong việc tích hợp Lịch sử vào bộ môn Công dân với Tổ quốc - một bộ môn mới mang tính định hướng rất cao. Tôi cũng không thấy tia hy vọng nào vào công cuộc xây dựng tình yêu lịch sử đối với các bạn học sinh, khi người lớn vẫn cho rằng học sinh phải học sử một cách bắt buộc để bồi đắp tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc… Nhưng lạ lùng là cả phía ủng hộ lẫn phía phản đối chủ trương tích hợp môn Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc đều có những lí lẽ tương tự nhau về mục đích của việc giáo dục lịch sử trong nhà trường. Như thế, rõ ràng việc chúng ta đang bàn cãi bấy lâu nay thực chất chỉ là một tranh cãi về mặt tiểu tiết.
Lịch sử là quá khứ đã qua, không thể sửa chữa hay thay đổi được. Tích hợp hay không tích hợp suy cho cùng chỉ là cách thức “khắc xuất - khắc nhập”, không phải là chuyện có thể làm thay đổi bản chất của bộ môn Lịch sử - một trong những ngành khoa học xã hội nhân văn quan trọng hàng đầu. Và khác với truyện Cây tre trăm đốt, những khúc tròn hay méo của lịch sử đều phải được trân trọng chứ không thể chỉ chọn lọc những đoạn, đốt tròn trịa theo ý muốn nào đó rồi "khắc nhập" chúng với nhau.
Không tôn trọng bản chất bộ môn, “khắc xuất - khắc nhập” không thể là một câu thần chú cứu vãn được tình hình.
Nguyễn Thị Thanh Lưu