Thùy Linh đạt 8.5 IELTS, trong đó có 3 kỹ năng đạt 9.0 ở lần thi năm 2020. Sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Nhật, Đại học Hà Nội, năm 2018, Linh thi IELTS và từ đó hàng năm đều tham dự để mài giũa cũng như cải thiện kết quả thi.
Ngoài lần đầu đạt 8.0, hai lần sau điểm số của Linh đều 8.5. Điểm thi Speaking cải thiện qua các năm, lần lượt 7.5, 8.0 và 9.0. Hiện cô là giáo viên dạy IELTS ở Hà Nội. Dưới đây là 4 sai lầm Linh nhận ra sau ba lần thi và cách khắc phục.
Không tìm hiểu đúng tiêu chí chấm thi
Lần đầu đi thi, Linh nghĩ phải dùng từ ngữ học thuật, như đi diễn thuyết. Suy nghĩ này xuất phát từ việc cô đọc các nguồn tài liệu không chính thống trên mạng, khiến hiểu sai về bản chất bài thi. Lúc thi, Linh bối rối trong việc sử dụng từ ngữ, những từ quen thuộc không dám dùng mà ép bản thân dùng từ thật "người lớn". Ví dụ: Linh định nói từ kid lại nhanh chóng đổi sang child.
Theo Linh, thí sinh hãy tìm hiểu public band descriptor (tiêu chí chấm thi) của IELTS để biết tương ứng với mức điểm cụ thể thì cần đạt yêu cầu gì (về mặt trôi chảy, từ vựng, ngữ pháp, phát âm). Một bạn cần 6.5 không nên quan tâm đến việc làm gì để đạt 7.5. Hãy đi từng bước, đừng sốt ruột nhìn lên yêu cầu của band cao.
"Bạn hãy luôn nhớ, đây là bài kiểm tra trình độ tiếng Anh, không phải kiểm tra xem bạn hùng biện có giỏi không", Linh nói.
Từ lạ, từ khó
Trong tiêu chí từ vựng của IELTS có phần nói về "uncommon Words" (những từ không thông dụng). Để đạt điểm từ vựng tốt, bạn phải dùng cả những từ "uncommon" (hiếm, không phổ biến), nhưng Linh ban đầu hiểu "uncommon" là phải cực ít dùng, thật lạ.
"Nếu bạn tìm những từ mà giám khảo cũng mới lần đầu nghe hoặc không biết thì chắc chắn sẽ phản tác dụng. Điều này tôi từng nghe một giám khảo chia sẻ trong hội thảo của Hội đồng Anh", Linh cho hay.
Những từ khó lại thường chỉ dùng trong một số ngữ cảnh cụ thể, khó có thể thay thế được cho từ gần nghĩa với nó, thế nên việc dùng sai rất dễ xảy ra.
Linh ví dụ, trong tiếng Việt có rất nhiều từ cùng mang nghĩa "ăn", như "chén", "thưởng thức", "tợp"... Nếu bạn nói "mời cô ăn cơm" thì được nhưng "mời cô tợp cơm" lại là câu chuyện khác. Tiếng Anh cũng vậy, nếu chỉ tìm nghĩa sẽ có rất nhiều từ gần nghĩa nhau, nhưng không đặt trong ngữ cảnh sẽ dễ dùng sai, đặc biệt với các từ quá ít dùng.
Linh cho hay không còn gồng mình sử dụng những cụm từ chưa hiểu rõ nghĩa 100% nữa vì mạo hiểm. Nếu không nghĩ ra từ hay, cô sẽ chọn từ dễ nhưng đúng.
Cô giáo dạy IELTS khuyên khi học từ vựng, người học luôn nhớ tìm ngữ cảnh và học theo ngữ cảnh; cố gắng khi luyện tập tìm cách đưa những từ đó vào câu một cách chính xác, dần dần từ đó sẽ thành của bạn.
"Tôi không dùng từ đao to búa lớn nào trong bài thi Speaking mà sử dụng nhiều collocation (cụm từ) và phrasal verb (cụm động từ). Tôi chú trọng vào sự tự nhiên của ngôn ngữ chứ không ép mình dùng từ vựng của người khác", Linh chia sẻ.
Không được im lặng
Lần đầu thi, mỗi khi giảm khảo hỏi gì, Linh cũng trả lời rất nhanh. Nhưng sau khi Linh nói xong, giám khảo vẫn rất... chờ đợi. Vì thế, Linh tiếp tục nói thêm 1-2 câu nhưng vì bối rối, cô nói lạc đề. Chính cô cũng không hiểu mình đang nói gì, từ vựng và ngữ pháp dùng lộn xộn.
"Ở part 2, khi được yêu cầu tả đồ chơi, tôi không nghĩ ra một món đồ chơi nào. Sau khi nói một phút, tôi cạn lời, bắt đầu chuyển sang những thứ không liên quan và lặp ý liên tục, từ ngữ dùng không chính xác. May lần đó còn vớt vát được chút phát âm", Linh kể về lần một lần thi IELTS.
Linh đã phải luyện tập (chủ yếu là tâm lý) để ngăn không nói nữa, hết ý rồi thì thôi. Linh nhận thấy kém part 2 vì kể chuyện kém. Để khắc phục, cô chuẩn bị kỹ về ý tưởng trước khi đi thi, thường là liên kết mọi thứ về một câu chuyện nền để luôn có cái mà nói, không sợ bị chết lặng.
Chính nhờ luyện tập về tâm lý kỹ càng, cô đã kiểm soát được bản thân và nói đúng trọng tâm hơn.
Part 3 cần hiểu biết về mọi vấn đề xã hội
Part 3 thường đưa ra các câu hỏi vĩ mô. Lần đầu tiên đi thi, Linh gặp câu hỏi về mối quan hệ giữa ngành công nghiệp đồ chơi và phim hoạt hình. Linh cố gắng tìm câu trả lời thật thông minh, như thể mình là một nhà làm phim hoạt hình lâu năm. Do quá tập trung vào vấn đề được hỏi, cô quên chú ý vào việc sử dụng tiếng Anh.
Sau 3 lần thi IELTS, Linh rút ra kinh nghiệm chỉ cần hiểu được câu hỏi đúng là ít nhiều sẽ trả lời được. "Đây là bài thi tiếng Anh, câu trả lời của bạn không cần đúng về kiến thức nhưng cần sử dụng được tiếng Anh để nêu lên quan điểm (dù có sai). Bạn hãy kiên định với câu trả lời, đừng bị hỏi thêm 1-2 câu mà ậm ừ thay đổi ý kiến. Hãy trả lời theo những gì bạn biết và thực sự nghĩ", Linh khuyên.
Bạn cũng nên giải thích cho câu trả lời, không cần quá vĩ mô. Ví dụ: Khi giám khảo hỏi: "Việc dạy trẻ em tránh hiểm nguy bằng các câu chuyện liệu có hiệu quả không?", Linh đáp: "Không phải lúc nào cũng hiệu quả, vì rõ ràng ngoài kia có những đứa trẻ dạy mãi, nhưng vẫn nhiều lần gãy chân, trẹo tay".
Câu trả lời đời thường, nhưng vẫn chứng minh được điều Linh muốn nói.
Bình Minh